Khánh thành công trình bảo tồn tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan: Nén hương thơm kính dâng Người Mẹ Làng Sen
(Cadn.com.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, sáng 3-6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức Lễ Khánh thành công trình bảo tồn tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Giang, H. Nam Đàn.
Về dự lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thắp hương tại mộ bà Hoàng Thị Loan.
Đóa sen thơm của đất Hoàng Trù
Buổi lễ đã thể hiện sự tôn nghiêm và thành kính đối với Người Mẹ Làng Sen, người mẹ muôn vàn kính yêu của Bác Hồ và của toàn dân tộc Việt
Phát biểu tại Lễ khánh thành, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gia đình bà Hoàng Thị Loan là hiện thân mẫu mực về sự cống hiến và hy sinh vô cùng to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Bà khẳng định: “Khu di tích Kim Liên, trong đó có khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, là di sản vô giá của Đảng, Nhà nước và của dân tộc. Khu mộ bà Hoàng Thị Loan là nơi để các thế hệ con cháu người Việt Nam và bạn bè quốc tế đến thăm viếng, đời đời ghi nhớ công lao to lớn và tỏ lòng ngưỡng mộ bà - một người phụ nữ, một mạch nguồn lớn lao, thanh khiết đã sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Nghệ An đã thực hiện tốt các hạng mục trong Dự án bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, trong đó có công trình Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể để Đảng bộ nhân dân Nghệ An quản lý, khai thác công trình hiệu quả, ý nghĩa.
Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh và nhân dân Nghệ An cùng thắp hương tại phần mộ Bà Hà Thị Hy, Bà nội Bác Hồ và cắt băng khánh thành, thắp hương tại Khu mộ bà Hoàng Thị Loan- Thân Mẫu Bác Hồ.
![]() ![]() ![]() |
Các hoạt động tại Lễ khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ảnh: X.S |
Công trình mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Nghệ
Năm 1922, hài cốt của bà Hoàng Thị Loan được người con gái đầu là Nguyễn Thị Thanh đưa từ núi Tam Tầng bên dòng sông Hương tại Huế về mai táng tại vườn nhà mình ở Làng Sen - Kim Liên. Năm 1942, cậu con trai cả Nguyễn Sinh Khiêm đã đưa hài cốt của bà lên an táng tại núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, H. Nam Đàn hiện nay.
Tháng 7-2010, nằm trong dự án “bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch” với tầm vóc của một di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt của quốc gia, mộ bà Hoàng Thị Loan được tiến hành tôn tạo. Ngày 21-7-2010, công trình chính thức khởi công dưới sự giám sát chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ban ngành có liên quan. Tôn trọng vẻ đẹp vốn có của công trình cũ, phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên trạng, đồng thời xuyên suốt trong kiến trúc tôn tạo khu mộ là hình ảnh bông sen và chiếc khung cửi đã gắn bó với cuộc đời bà lúc sinh thời.
Từ chân núi Động Tranh, cổng vào khu mộ được thiết kế rất đẹp với lối kiến trúc dân gian độc đáo, có mái che uốn lượn tạo sự mềm mại cho công trình. Men theo con đường với 269 bậc thang được ghép đá vuông vức, lan can uốn lượn theo nếp núi, ẩn hiện thấp thoáng sau những lùm thông. Xen giữa những bậc thang lên ấy là ghế đá và những bụi hoa giấy phủ trên giàn thêu như hình chiếc khung cửi làm nơi để du khách ngồi nghỉ chân. Sau khi du khách đi qua 269 bậc thang sẽ đặt chân đến khuôn viên khu mộ của Bà Hoàng Thị Loan. Từ đây, qua 33 bậc thang tượng trưng cho tuổi đời của bà, khu mộ được thiết kế như một bông hoa sen khổng lồ với đầy đủ phần đế sen, đài sen và tâm sen. Mái che phía trên mộ được lấy ý tưởng cách điệu từ hình chiếc khung cửi và dải lụa, chạm trổ mềm mại như hai dải lụa rủ xuống che mát cho phần mộ. Xung quanh phía trong mái che là ô cửa hình những bông sen kế tiếp nhau tạo sự thông thoáng và thanh thoát. Đặc biệt sau ngôi mộ là một bức cuốn thư bằng đá, nặng tới 14,7 tấn. Bức cuốn thư được chạm trổ tinh xảo với hình tượng đầm sen tỏa ngát hương thơm. Phía trên là 9 đám mây quần tụ, biểu trưng cho hồn thiêng sông núi chứng giám và trường tồn cùng hình tượng người mẹ Việt Nam - Người đã sinh ra một vị thiên tài, người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh.
Với một lối kiến trúc rất riêng, rất độc đáo, vừa gần gũi chân thực vừa tinh tế lại sắc sảo thanh tao trong từng chi tiết chạm trổ hoa văn, công trình đã thể hiện một dáng vẻ uy nghi hoành tráng và trang trọng, vừa mang đậm dấu ấn văn hóa Xứ Nghệ của người mẹ Làng Sen bình dị mà thanh cao. Công trình đã để lại dấu ấn rất sâu đậm đối với du khách thập phương về tham quan, thăm hương và tưởng nhớ tới bà - Người Mẹ Làng Sen.
Xuân Sơn