Khảo sát cụ thể hai dự án tác động đến rừng tự nhiên
Cuối tuần qua, đoàn công tác của HĐND tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh làm trưởng đoàn có buổi khảo sát và làm việc với chủ đầu tư Dự án thủy điện Sông Tranh 4 (trên địa bàn hai huyện Hiệp Đức và Tiên Phước) và Dự án xây dựng nhà ở Khu đô thị (KĐT) Cồn Tiến (xã Cẩm Thanh, Hội An) nhằm phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh sắp đến.
Điều đáng nói, tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Quảng Nam đầu năm nay, vào phút cuối Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã rút Tờ trình xin chuyển đất rừng sang mục đích khác để xây dựng Dự án thủy điện Sông Tranh 4 (TĐST 4) và tờ trình đề nghị chuyển mục đích sử dụng hơn 1ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh để phát triển Dự án KĐT Cồn Tiến.
Đoàn công tác HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát Dự án TĐST 4. |
Chuyển đổi đất rừng phù hợp với quy hoạch thủy điện
Trước đó ngày 13-10-2020, Cty CP Thủy điện Sông Tranh 4 (chủ đầu tư Dự án TĐST 4) có tờ trình đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong đó, diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất đề nghị xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là 33,7ha với hiện trạng là rừng sản xuất và rừng trồng. Theo quy định, HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nói về việc chuyển đổi trên, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam khẳng định: Việc chuyển đổi đất rừng ở Dự án TĐST 4 phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương chuyển đổi mục đích rừng, chủ đầu tư cần triển khai trồng bù rừng thay thế theo quy định.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu thông tin thêm, Dự án TĐST 4 không chặn dòng, tận dụng khai thác được tài nguyên mà không gây tác động môi trường. Đối với diện tích rừng sản xuất người dân đã thu hoạch hết, nên bây giờ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng chỉ mang tính thủ tục, theo quy định của pháp luật. Cho nên, cần tạo sự thống nhất đồng thuận cao trước khi HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
Dự án TĐST 4 nằm trên địa bàn các xã Quế Lưu và Thăng Phước (H. Hiệp Đức) và xã Tiên Lãnh (H. Tiên Phước) có công suất lắp máy 48MW. Theo chủ đầu tư, tính đến ngày 14-9-2020, dự án điều chỉnh 7 lần Giấy chứng nhận đầu tư, bắt đầu thi công đầu năm 2017 đến nay đã hoàn thành 100% các hạng mục chính (gồm đập tràn, đập dâng, nhà máy). Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 434ha, đến nay Cty hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng; giải phóng mặt bằng đạt 96%, còn lại 4% chưa bàn giao mặt bằng. Thời điểm này, dự án còn 30 hộ dân chưa đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt để bàn giao mặt bằng cho dự án. Trong đó, Tiên Phước còn 27 hộ dân với hơn 16,2ha; Hiệp Đức chưa thu hồi đất của 3 hộ dân với gần 2ha... “Dự án đã được Sở Công Thương tỉnh kiểm tra công tác nghiệm thu, quản lý chất lượng và xác định đủ điều kiện đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời điểm này vướng mắc còn lại nằm ở công tác giải phóng mặt bằng, lập thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng”, ông Lê Xuân Long - Tổng Giám đốc Cty CP TĐST 4 thông tin.
Đoàn công tác HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát hiện trường rừng dừa nước tại xã Cẩm Thanh. |
Cân nhắc trước khi chuyển đổi hơn 1ha rừng dừa nước
Đối với Dự án KĐT Cồn Tiến do Cty CP Đạt Phương làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 31ha, là một trong 4 dự án được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất giao để hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng cầu Km0+317 trên đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hình thức BT). Tổng diện tích rừng phòng hộ có trong ranh giới dự án hơn 3,4ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ tập trung hơn 2,2ha; diện tích rừng và đất lâm nghiệp xin chuyển đổi hơn 1,2ha. Đây là dự án được HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua danh mục dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ các năm qua. Đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao đất 2 đợt cho chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 18,3ha; còn khoảng hơn 10ha chưa được giao đất, trong số này còn 4ha vướng giải phóng mặt bằng đất nuôi trồng thủy sản và đất ở.
Rừng dừa nước nằm trong Dự án nhà ở KĐT Cồn Tiến. |
Trước đó, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng Dự án nhà ở KĐT Cồn Tiến. Tờ trình HĐND thông qua nghị quyết cho chuyển đổi hơn 1ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh, giao cho chủ đầu tư lập hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trong tờ trình, ông Bửu ký nêu việc chuyển đổi diện tích rừng dừa nước khoảng 1ha phân tán manh mún không ảnh hưởng đến độ che phủ chung về rừng của tỉnh... Thế nhưng ngay tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh vừa qua, ông Lê Trí Thanh đã có quyết định xin rút tờ trình, chưa trình lên HĐND tỉnh xem xét, lý do ông Thanh cho rằng để cân nhắc kỹ hơn về những tác động đến cảnh quan, môi trường khi triển khai dự án...
Qua khảo sát Dự án nhà ở KĐT Cồn Tiến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Trần Xuân Vinh cho rằng, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất của Dự án KĐT Cồn Tiến phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, lưu ý dự án cần bảo tồn cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái, quy hoạch hợp lý đai rừng; bố trí quy hoạch nhà ở xã hội... Được biết, Dự án xây dựng nhà ở KĐT Cồn Tiến có tổng mức đầu tư 518 tỷ đồng, quy mô dân số 2.000 người, được HĐND tỉnh Quảng Nam chấp thuận đầu tư từ năm 2018.
LÊ HẢI