Khát vọng vươn khơi (Kỳ 3: Phía sau những con tàu vỏ thép)

Thứ năm, 14/06/2018 18:00

KHI NGƯ DÂN VÀO CUỘC

Nghề đóng tàu vỏ gỗ với công suất lớn ở Hoài Nhơn, Bình Định vẫn đắt đơn đặt hàng.

Trong số 301 tàu vỏ thép của cả nước được đóng theo NĐ 67 của Chính phủ, Bình Định có 48 chiếc. Trong đó, 1 chiếc sau khi đưa vào sử dụng gặp sự cố chìm, 19 chiếc bị hư hỏng buộc phải nằm bờ để khắc phục, gây thiệt hại đáng kể cho ngư dân. Sự kiện này đã được mổ xẻ trên nhiều diễn đàn, gây nhiều tranh cãi. Tại hội nghị tổng kết thực hiện NĐ 67 của Chính phủ diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 1-2018 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiều nguyên nhân chủ quan liên quan đến vấn đề này đã được nêu ra như: công tác kiểm soát chất lượng tàu cá còn nhiều hạn chế; bất cập trong khâu tư vấn thiết kế đến tổ chức thực hiện; các khâu trong công tác giám sát, thẩm định chưa chặt chẽ; còn buông lỏng trong công tác đăng kiểm... Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nói gì thì nói, trách nhiệm chính vẫn thuộc về các doanh nghiệp đóng tàu. Bởi lẽ chất lượng con tàu phụ thuộc vào đơn vị đóng tàu, ngư dân không thể biết và giám sát chất lượng vì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đóng tàu không có... Được biết, phần lớn các ngư dân này ngay từ đầu đã không được tham gia vào quá trình thiết kế, đóng tàu. Thực tế cho thấy những ngư dân nào quyết tâm đòi phải tham gia từ đầu công đoạn này thì hầu như không gặp sự cố tàu bị hỏng hóc, kém chất lượng. Đơn cử như trường hợp của ngư dân Nguyễn Nổi (Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn). Khi đăng ký đóng tàu vỏ thép, ông chọn DN đóng tàu Việt Tiến (Nam Định). Trong quá trình đóng tàu, DN này đã đồng ý cho ông tham gia góp ý kiến, điều chỉnh những phần chưa hợp lý trong thiết kế để phù hợp với thực tế đánh bắt thủy sản trên biển. “Theo quy cách trong thiết kế thì hầm muối cá chỉ có 4 hầm. Tui thấy rộng quá, muối đá cá sẽ kém chất lượng, dễ hư. Tui góp ý phải ngăn làm 8-9 hầm nhỏ ra mới đảm bảo chất lượng muối đá cá. Có đi biển, mình mới hiểu được điều này. Con tàu tui đóng có trọng tải lớn, đánh bắt trong nhiều ngày liền mới chạy vô đất liền, nếu muối đá không kỹ, cá hỏng hết thì sao? Nghe tui trình bày thực tế đi biển, họ đồng ý điều chỉnh”- ông Nguyễn Nổi kể. Ông còn tham góp ý và yêu cầu điều chỉnh thiết kế cả phần đuôi, thân tàu sao cho phù hợp. Nhờ tham gia ngay từ đầu nên khi tàu ông đi đánh cá không bị sự cố quấn chân vịt, quấn lưới như một số  tàu vỏ thép khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nổi vẫn ấm ức: “Nhưng mà cái chi cũng có giá hết trơn! Trong khi các DN khác đều trả lại vốn đối ứng cho chủ tàu, riêng DN Việt Tiến thì không. Con tàu tui đóng là 16,1 tỷ, trong đó vay ngân hàng 15 tỷ, còn lại tui phải bỏ ra 1,1 tỷ đồng vốn đối ứng. Cứ tưởng số tiền này sẽ được DN này trả lại sau khi tàu đóng xong, không ngờ họ chẳng trả. Bởi lẽ, họ làm chất lượng, lại đóng theo ý của mình”.

Cũng như ngư dân Nguyễn Nổi, ngư dân Võ Văn Hân (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng tự mình đi tìm DN đóng tàu ở Hải Phòng để liên hệ đóng vỏ thép. “Tui ăn dầm, nằm dề với họ mấy tháng ròng chứ ít chi. Nhiều khi cãi nhau về thiết kế. Họ thiết kế tàu không giống như thực tế đánh bắt của ngư dân miền Trung, chỉ hợp với miền Bắc, miền Nam ít bão tố... Chi phí phát sinh trong điều chỉnh thiết kế nhiều lắm, khoảng 300 triệu chứ ít chi. Ngoài ra, tôi còn phải bỏ ra 700 triệu đồng tiền đối ứng, 30 triệu đồng tiền giám định nữa”-ông Hân chia sẻ thêm.

PHÍA SAU NHỮNG CON TÀU VỎ THÉP

Với sự đầu tư lớn cùng với các trang thiết bị hiện đại, việc sử dụng tàu vỏ thép trong quá trình vươn khơi đánh bắt thủy sản không chỉ đảm bảo được sự an toàn cho ngư dân mà còn hướng đến việc phát triển kinh tế biển chuyên nghiệp. Đấy là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy. “Đi tàu vỏ thép tất nhiên là phải sướng hơn đi tàu gỗ chớ. Cái thuận tiện đầu tiên thấy rõ là sự an toàn, là việc có thể chở chất hàng, chất ngư lưới cụ được nhiều”- ngư dân Võ Văn Hân thừa nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi đó, nhiều ngư dân cho biết họ cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng cả sự bất cập khi lần đầu tiên sử dụng, vận hành tàu vỏ thép. Ông Hân phân tích: “Cùng với mã lực như nhau, nhưng năng suất đánh bắt hải sản lại không bằng. Với trọng tải 40 tấn, mỗi chuyến ra khơi tàu tôi phải đi trong 1 tháng hoặc hơn 1 tháng mới về. Vì thế, cá đánh bắt lên phải muối đông mới đảm bảo. Trong khi đó, tàu gỗ có cùng mã lực, trọng tải ít hơn nên mỗi chuyến đi chỉ tầm từ 20 ngày trở lại. Cá muối đá nên tươi hơn, bán cao giá hơn. Còn chuyện này nữa, cùng một mã lực, cùng một hành trình như nhau, nhưng nguyên liệu đi tàu vỏ thép lại tốn kém gấp đôi tàu vỏ gỗ vì hầm chứa của tàu gỗ do mát hơn nên bảo quản đá được lâu, lại được ngăn nhiều hầm. Trong khi đó, tàu vỏ thép hầm chứa rộng và nóng hơn nên đá mau tan hơn. Rồi việc trang bị máy cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, tàu gỗ vận hành vẫn nhẹ nhàng hơn tàu vỏ thép. Tàu gỗ hỏng chỗ nào thì ngư dân có thể tự xử lý được, còn tàu vỏ thép thì chịu, phải đưa vào bờ để DN đóng tàu sửa chữa”.

Chủ tàu vỏ thép Nguyễn Nổi.

Trong khi ngư dân nói vậy thì các nhà quản lý lại nói khác. Theo ông Trần Văn Phúc- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, không phải tàu vỏ thép nào cũng hoạt động kém hiệu quả. Thực tế, không ít ngư dân đóng tàu vỏ thép làm ăn có hiệu quả, nhưng vẫn “than khó” để không phải trả lãi tiền vay ngân hàng. Một số thì không dám nói thật do sợ các chủ tàu đóng vỏ thép chây ì, ỷ lại gây hiềm khích. Ngoài ra, trong quá trình vận hành, mặc dù đã được tập huấn, nhưng do trình độ chưa theo kịp và còn thiếu kinh nghiệm, nên những chuyến vận hành đầu tiên của một số tàu vỏ thép chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, tâm lý của ngư dân, nhất là những người đi bạn, cứ thấy hai, ba chuyến đầu đi không đạt hiệu quả là lại muốn nhảy sang tàu khác...

Ông Trần Văn Phúc cho biết, trong 33 tàu vỏ thép đi biển trong tháng 3-2018 ở Bình Định, 27 tàu về bến trong tháng thì có 17 tàu có lãi đạt tỉ lệ 63%, lỗ 10 tàu. Tương tự, tàu vỏ composite có 8 chiếc đi sản xuất trong tháng 3-2018, 6 tàu về bến trong tháng thì có 4 tàu có lãi, 2 tàu lỗ. Riêng ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), có 3 tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 của Chính phủ thì đều trả lãi đúng hạn. 

 Theo các nhà quản lý, việc đầu tư đóng tàu vỏ thép là hướng đi tất yếu trong xu thế hội nhập, hướng đến sự chuyên nghiệp và phát triển kinh tế biển bền vững. Vì thế, trong quá trình vươn khơi đánh bắt thủy hải sản bằng tàu vỏ thép, ngư dân cũng cần phải cầu thị, không ngừng nâng cao việc trang bị, tìm hiểu kiến thức chuyên môn trong quá trình sử dụng, vận hành để ngày càng chuyên nghiệp hơn.

PHAN THỦY

Kỳ cuối:  Nỗ lực  “gỡ” thẻ vàng