“Khe cửa hẹp”!
Sau những tranh cãi, những mâu thuẫn kéo dài, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận về việc London rời khỏi liên minh này, còn gọi là Brexit. Theo tuyên bố xác nhận của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 17-10, cả hai đạt được một thỏa thuận “ly hôn”.
Các cuộc đàm phán cuối cùng giữa hai bên để đi đến một thỏa thuận Brexit trước Hội nghị Thượng đỉnh EU trong tuần này đã diễn ra đến rạng sáng 17-10. Ông Juncker nói: “Chúng tôi có một thỏa thuận. Đó là một thỏa thuận công bằng và cân bằng đối với EU và Anh. Đây là bằng chứng cho cam kết của chúng tôi về tìm ra các giải pháp. Tôi cho rằng (hội nghị thượng đỉnh EU) thông qua thỏa thuận này”. Về phía London, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng khẳng định: “Chúng tôi có một thỏa thuận mới tuyệt vời mà giành lại quyền kiểm soát”.
Và sau thành quả này, câu hỏi đặt ra là liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Brexit? Thỏa thuận Anh-EU rõ ràng có thể phá vỡ bế tắc vốn làm tê liệt chính trường Anh suốt từ khi nước này bỏ phiếu để rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Nhưng trên thực tế, thỏa thuận này vẫn cần được các nhà lãnh đạo Châu Âu phê chuẩn. Và khó khăn hơn, Thủ tướng Boris Johnson vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến gay cấn để đưa nó qua “khe cửa hẹp” hơn rất nhiều: Quốc hội Anh.
Thật sự, cuộc chiến ở Quốc hội Anh mới cam go. Theo các nguồn tin, Thủ tướng Johnson sẽ đưa thỏa thuận mới đạt được với EU này ra trước Quốc hội vào ngày 19-10, đánh dấu lần đầu tiên các nghị sĩ nhóm họp vào cuối tuần trong 37 năm qua. Các nghị sĩ sẽ tranh luận xem có chấp thuận thỏa thuận Brexit mới hay rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
Vì vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu London có thể tránh được việc trì hoãn thời hạn chót rời đi vào ngày 31-10 hay không. Và cũng chưa rõ kết cục nào cho bài toán Brexit. Tất cả vẫn chờ đợi câu trả lời của các nghị sĩ Anh, mà trong đó hầu hết được cho là sẽ tiếp tục phản đối thỏa thuận mới của Thủ tướng Johnson.
THANH VĂN