Khi chủ tiệm cầm đồ tiếp tay cho tội phạm

Thứ năm, 29/01/2015 11:30

(Cadn.com.vn) - Kinh doanh dịch vụ cầm đồ (DVCĐ) là một trong các loại nghề kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như: chứa chấp, tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản do người khác phạm tội mà có, cầm cố tài sản cho vay lãi suất cao... ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT. Hiện trên địa bàn TP Huế có 150 cơ sở kinh doanh DVCĐ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Đẩy mạnh đợt cao điểm trước dịp Tết Ất Mùi 2015, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội CATP Huế mở đợt cao điểm ra quân kiểm tra hơn 100 lượt cơ sở kinh doanh DVCĐ. Qua đó, phát hiện 31 trường hợp vi phạm pháp luật và đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính gần 70 triệu đồng.

Một trong những tiệm cầm đồ bị xử phạt cao nhất là DVCĐ Hoàng Lân (P. Hương Sơ, TP Huế) với mức xử phạt 17 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này. Mặc dù kinh doanh DVCĐ nhưng cơ sở Hoàng Lân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Ngoài ra, DVCĐ này nhận cầm cố tài sản nhưng tài sản đó không có các loại giấy tờ sở hữu; đồng thời, nhận cầm cố nhưng không có hợp đồng theo quy định. Hay cơ sở cầm đồ 9/58 đường Lê Thánh Tôn (TP Huế) cầm 20 xe máy không đúng chủ sở hữu, bảo quản tài sản không đúng nơi đăng ký bị xử phạt 7 triệu đồng.

Mới đây, lực lượng CA bất ngờ kiểm tra DVCĐ 24-Thánh Gióng (TP Huế) do bà Bùi Thị Lợi làm chủ, phát hiện cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Ngoài ra, CA phát hiện có 13 xe máy cầm cố không có hợp đồng với khách hàng, trong đó có 3 xe máy là tang vật của vụ trộm, gồm xe BKS 75K9-2061, 75R1-9631 và 75F1-121.37. Trong đó, có xe đã bị xóa số khung, số máy. Hiện vụ việc đang được Đội CSĐTTPVTTXH CATP Huế điều tra, thụ lý.

Dịch vụ cầm đồ 24-Thánh Gióng, nơi lực lượng CA phát hiện 3 xe máy là tang vật của vụ trộm.

Mới đây nhất, Nguyễn Thị Bạch, chủ cơ sở kinh doanh DVCĐ tại số 8/358 - Phan Châu Trinh (TP Huế) có hành vi mua bán, tàng trữ hàng chục xe đạp điện do người khác phạm tội mà có. Điều đáng nói, ngoài số xe gian được thu giữ tại tiệm này, các trinh sát phát hiện nhiều tang vật có liên quan đến vụ trộm, là phương tiện, công cụ để làm thay đổi hình dáng bên ngoài, số khung, số máy để bị hại không nhận diện được tài sản bị mất cắp. Tại cơ quan CA, Nguyễn Thị Bạch khai nhận, mục đích thay đổi hình thức xe bị trộm là để dễ tiêu thụ và che giấu hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Xe đạp điện có giá từ 8 - 12 triệu đồng/chiếc nhưng sau khi lấy trộm, chúng bán cho Bạch chỉ 1 - 2,5 triệu đồng/chiếc. CA đã khởi tố Nguyễn Thị Bạch về hành vi "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Thời gian gần đây, nhiều vụ án liên quan đến trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn TP Huế có sự che đậy, tiếp tay và không tố giác tội phạm của một số chủ tiệm cầm đồ. Thông thường, sau khi "cuỗm" được tài sản, các đối tượng thường tìm đến các tiệm cầm đồ bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thật của tài sản. Mặc dù các chủ tiệm cầm đồ biết tài sản đang cầm cố hoặc giao dịch mua bán không rõ nguồn gốc nhưng vì lợi nhuận cao nên vẫn cố tình thực hiện.

Đại tá Trương Đình Đức - Phó CATP Huế cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh DVCĐ. Để đảm bảo tình hình ANTT khi thực hiện DVCĐ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc giấy tờ khác còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ 3 phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan CA có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

H.Lan