Khi cổ vật trở về

Thứ ba, 09/08/2016 09:41

* Bài 1: Người có duyên với báu vật cung đình

(Cadn.com.vn) - Những biến cố lịch sử đã khiến một lượng lớn cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn "biến mất" khỏi cố đô Huế cả hàng trăm năm. Thế nhưng thời gian qua, nhờ một số cá nhân vì tha thiết muốn tìm lại cái "hồn xưa", đã lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm, từ làng quê đến thành thị, từ Việt Nam sang các nước trong khu vực và có khi sang tận cả trời Tây để tìm mua hoặc làm cầu nối giới thiệu cho cơ quan chức năng nên nhiều cổ vật cung đình Huế đã lần lượt hồi hương.

Nguyễn Hữu Hoàng-một trong số ít nhà sưu tầm cổ vật trẻ tuổi ở Việt Nam là người sở hữu bộ trang phục có giá trị độc nhất vô nhị về mặt văn hóa lịch sử như: long bào, áo hoàng hậu, trang phục cung nữ, quan quân quần thần thời nhà Nguyễn. Ngoài ra, nhà sưu tầm này còn đang sở hữu khoảng hơn 1.000 cổ vật khác được giới chơi đồ cổ trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nguyễn Hữu Hoàng với cổ vật- tô sứ thời chúa Nguyễn Phúc Chu - rất quý hiếm ở Việt Nam.

"Ăn dầm ở dề" để mua hoàng bào

Căn nhà riêng của Nguyễn Hữu Hoàng thuộc xã Phú Mỹ (H.Phú Vang, TT-Huế), kế bên tỉnh lộ 10 là nơi nhiều nhà sưu tầm cổ vật ở miền Trung thường ghé tham quan. Họ ví đây như là một bảo tàng bởi có hơn 1.000 cổ vật đủ các chất liệu như: gốm, sứ, gỗ, vải, đồng, giấy... Đặc biệt, Nguyễn Hữu Hoàng là người duy nhất đang sở hữu bộ sưu tập "Trang phục cung đình triều Nguyễn" với hơn 50 bộ. Trong khi đó, cả nước chỉ có 2 bảo tàng đang còn lưu giữ trang phục cung đình triều Nguyễn là Bảo tàng Lịch sử TPHCM và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Một trong những chiếc áo nổi bật trong bộ sưu tập trang phục cung đình của Hoàng là chiếc áo hoàng bào thượng triều của nhà vua. Ai đã tận mắt nhìn thấy chiếc hoàng bào này cũng không khỏi trầm trồ, mê hoặc trước những hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Hoàng kể, chừng 10 năm trước, nghe tin một ông cụ ở H. Hướng Hóa (Quảng Trị) là chủ nhân sở hữu chiếc áo của quan triều Nguyễn, Hoàng đã lặn lội tìm đến nơi để tận mắt chiêm ngưỡng báu vật. Khi nhìn thấy chiếc áo hoàng bào, anh không tin vào mắt mình và vui mừng vì mình rất may có cơ duyên được gặp. Hơn 10 năm tìm kiếm và mất 4 tháng trời "ăn dầm ở dề" tại vùng đất Hướng Hóa anh vẫn không thuyết phục được ông cụ. Sau đó, thỉnh thoảng anh vẫn ghé nhà cụ hỏi thăm chiếc hoàng bào và lại đặt vấn đề mua nhưng cụ quyết không bán. Khi biết tin, có nhiều nhà sưu tầm cổ vật đến hỏi mua, Hoàng lo sợ báu vật này trước nguy cơ không được về Huế nên nhờ một số già làng ở đó tác động. Cuối cùng, ông cụ cũng chấp nhận bán chiếc áo hoàng bào cho anh Hoàng với mong muốn chiếc áo sẽ được gìn giữ, bảo quản tốt hơn. "Có rất nhiều người đi tìm kiếm bộ sưu tập trang phục cung đình giống như mình, nhưng có lẽ mình may mắn hơn so với họ. Mình rất có duyên với những cổ vật thời nhà Nguyễn..."- Hoàng cười mãn nguyện.

Áo hoàng bào Hoàng đeo đuổi hơn 10 năm mới mua được.

Mất 8 năm mua 1 chiếc dĩa

Nói về cơ duyên đến với cổ vật, anh Hoàng kể: "Hồi còn đi học, vào những ngày cuối tuần, tôi hay cùng bạn bè đạp xe đến Đại Nội (Huế), Viện Bảo tàng tỉnh chơi. Nhìn những cổ vật được trưng bày trong đó là tôi mê lắm. Niềm đam mê cổ vật được nung nấu, nhen nhóm từ đó". Năm 19 tuổi, Hoàng bắt đầu cuộc hành trình đi tìm cổ vật, với chiếc ba lô trên vai cùng chiếc xe đạp cũ. Anh cứ rong ruổi từ làng này qua làng khác đến khi nào ba lô đầy cổ vật mới trở về. Có nhiều chuyến đi, anh gặp được đồ vật quý nhưng lại không đủ tiền, vậy là đành quay về nhà mượn của bố mẹ, anh chị rồi trở lại mua cho bằng được...

Năm 1994, hành trình tìm kiếm cổ vật của Hoàng vươn ra một số vùng biên giới. Hàng ngày, anh đạp xe hàng chục cây số về các thôn bản, đến các vùng quê xa xôi hay vượt suối, băng đèo lên núi để trò chuyện, làm quen với người dân địa phương, nhờ họ tìm kiếm, giới thiệu những cổ vật liên quan đến các triều đại vua chúa ở cung đình Huế hiện đang nằm rải rác. Hoàng tâm sự: "Muốn sưu tầm cổ vật thì trước hết phải am hiểu nhất định về đồ cổ. Đặc biệt, phải kiên trì, chịu khó vì để mua được một món đồ cổ không phải ngày một ngày hai mà thậm chí hàng chục năm mới có được. Mỗi khi mua được một món tôi rất vui mà không còn nghĩ tới giá trị tiền bạc nữa". Trong những lần "săn" cổ vật, buồn vui Hoàng nếm đủ nhưng kỷ niệm khó phai nhất là những lần đến với làng Cùa ở Quảng Trị. Ở đó, Hoàng đã theo đuổi 9 năm ròng rã mới mua được một cái tô sứ ký kiểu của thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Trên cái tô này có dòng chữ: Thuận Hóa vãn thị, vẽ cảnh một buổi chợ chiều ở Huế... Hay phải đúng 8 năm, Hoàng mới mua được chiếc dĩa ký kiểu vẽ hình con bọ ngựa, đề hiệu Tây Hưng Lăng Cổ dưới thời Lê Trịnh (thế kỷ XVIII). Lúc đó, có quá nhiều người muốn mua chiếc dĩa quý này (cả nước Việt Nam dưới thời đó chỉ có đúng 5 cái), mặc dù anh trả giá tay trên nhưng vì sợ hớ lại vừa luyến lưu của quý nên người giữ nó nửa muốn bán, nửa không. Khi hàng chục tay chơi đồ cổ khác buông xuôi thì chỉ còn mình Hoàng kiên trì đeo đuổi. Thế nhưng, mãi đến ngần ấy năm người giữ nó mới xiêu lòng đồng ý bán. 

Để mua được cái dĩa thời Lê Trịnh này, Nguyễn Hữu Hoàng đã mất 8 năm trời.

Không chỉ "săn" cổ vật ở các làng quê, các vùng biên giới của Việt Nam, qua tìm hiểu, Hoàng biết được, nhiều cổ vật hoàng cung Huế cũng đã được những người dân ở Lào, Thái Lan mua tại vùng biên giới Việt Nam về làm kỷ niệm. Thế là, anh lại vác ba lô sang Lào, Thái Lan ăn ở cả tháng trời. "Cũng may nhờ bà con Việt kiều ở Lào giúp đỡ, giới thiệu và bảo lãnh nên tôi mới yên tâm việc tìm kiếm cổ vật. Và cũng chính trên đất nước Triệu Voi, ở Thái Lan, tôi đã săn lùng và đem về cho quê hương những đồ cổ của vua chúa triều Nguyễn như: chén, bát, đĩa bằng sứ và đặc biệt là những bộ trang phục của cung đình Huế". Trong số hàng ngàn cổ vật quý hiếm từng sở hữu, Nguyễn Hữu Hoàng đã dành một phần không nhỏ để hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Bảo tàng Văn hóa Huế; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị và Thanh Hóa cùng một số nhà lưu niệm trong và ngoại tỉnh. "Điều tôi vui nhất là những cổ vật ấy được toàn vẹn trở về với nơi mà trước kia nó vốn ở đó"- nhà sưu tầm Hữu Hoàng bộc bạch.

Hải Lan
(còn nữa)