Khi cơn bão đi qua...

Thứ tư, 28/09/2022 16:33
Giữa những thông tin bão số 4 (bão Noru) dồn dập, tòa soạn cũng nhận được một bài viết về bão, nhưng bằng... thơ, của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Trong cơn lốc quay cuồng của cộng đồng đang chạy đua với thời gian để phòng chống siêu bão, mang thơ ra đọc hoặc đăng tải có vẻ quá lạc lõng và thờ ơ với thời cuộc? Nhưng, không...
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Lướt đọc “Khi cơn bão đi qua”, tôi lại có suy nghĩ khác. Đọc thơ về bão trong lúc chống... bão cũng có cái hay của nó, biết đâu nó lại sát với ngữ cảnh hơn?, Vả lại, nội dung bài thơ cũng có chủ đề... chống bão, một loại bão lòng.

“Khi mất điện chong ngọn đèn trong bóng tối/lại hồi tâm nhớ ánh trăng quê/nhớ nguồn cội một thời xa lơ xa lắc...”. Vào đề nhẹ nhàng nhưng hợp lý, hợp tình, tác giả đưa người đọc đặt mình vào sự cố thường gặp trong cuộc sống, nhất là khi có bão: mất điện. Ngọn đèn, ánh trăng quê, một thời xa lơ xa lắc... tự nhiên và lần lượt đến, lẽ dĩ nhiên phải thế, nếu con người còn là... con người cuộc sống vẫn là... cuộc sống.

Tuần tự, những gì phải đến cũng đến tiếp theo, rất thực tế với cuộc sống hiện đại khi đối diện với mưa bão: “Khi cơn lũ đi qua/điện thoại máy vi tính hết pin/bỗng nhiên lòng hoảng hốt /giật mình nhớ ra/mình đã từng quên đi thói quen viết bằng tay lên giấy kẻ hàng/quên những cuộc chuyện trò dung dị bằng thư/dán tem gửi qua đường bưu điện/nôn nao chờ đợi hàng ngày...”. Bối cảnh ấy, cảm xúc ấy, hồi ức ấy ai cũng có, ít hoặc nhiều, nhưng để hồi tưởng, để tự vấn và nôn nao về một thời “cũ kỹ” như đoạn thơ dẫn dắt, mấy ai đã từng hay vẫn cứ “có mới nới cũ”?

Và nữa: “Khi không bật được chiếc tivi như mọi ngày/Mới thấu hiểu cái giá trị băng tần phát ra từ chiếc radio cũ kỹ/bỏ quên trong góc hẹp...”.

Cái mới - cái cũ, quá khứ - hiện tại luôn là sự tiếp nối, nhưng tùy theo mỗi người khoảng cách ấy có cận kề hay là quá xa để có thể nhớ, có thể quên. Tác giả của “Khi cơn bão đi qua” không phủ nhận rằng mình đã “bỏ quên”, ấy là chuyện thường tình, nhưng không vô tâm đến mức trút bỏ tất cả, nhất là khi được đánh thức nhờ “cơn bão đi qua”. Không, có lẽ đó còn là những gì tích lũy từ những cơn bão đã qua, những cơn bão đang diễn ra, thậm chí những cơn bão trong tương lai. Quan trọng là, khi được cảnh tỉnh, con người biết mình phải ứng xử như thế nào, với tác giả thì đó là “những âm thanh xa xưa như tiếng vọng những linh hồn/tự lâu rồi đánh thức hồi sinh trỗi dậy...”. Và không phải để người đọc phải suy đoán, tác giả đúc kết: “Mỗi cơn bão đi qua trong tâm hồn/Con người sẽ hiểu hơn về sự tồn tại của những u mê/từ vật chất tầm thường giữa cõi đời này/hiểu ra gốc ngọn của sáng tạo và hủy diệt/để biết yêu người và yêu hơn chính linh hồn kỳ diệu của mình...”.

Có thể, “Khi cơn bão đi qua” là cảm nhận của cá nhân tác giả, hơn nữa lại là của một... nhà thơ, không phải của tất cả mọi người. Nhưng cũng rất có thể, với những ai từng nếm trải bão trời và bão lòng, không cần phải là người hoài cổ, sẽ cảm nhận bài thơ như một sự sẻ chia, nói hộ lòng mình, tâm hồn mình. Hoặc ít nhất, hãy thử một lần trải nghiệm, như tiểu thuyết gia, dịch giả nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami đã từng: "Và khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay xở để tồn tại được ra sao. Bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra, liệu cơn bão có thật sự đi qua.

Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà đã bước vào".

T.S