Khi làng trôi ra biển...
Duy Hải là xã bãi ngang ven biển, nằm về phía Đông của H. Duy Xuyên. Từ năm 1999 đến nay, tình hình sạt lở bờ biển tại đây diễn ra rất phức tạp, nhất là vào mùa mưa bão.
Ngay từ năm 2000, biển đã ăn sâu vào đất liền khoảng 300 mét làm sạt lở và nguy cơ sạt lở nhà đất của 72 hộ dân. Trước tình hình đó, UBND xã đã phải di dời 72 hộ dân vào khu tái định cư mới tại thôn An Lương để ổn định cuộc sống. UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng kè chắn sóng An Lương, tình hình sạt lở không còn diễn ra, đời sống người dân đã ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn đoạn từ bờ kè An Lương đến làng Trung Phường giáp khu vực Cửa Đại, Hội An, có chiều dài gần 1,2 km chưa được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở. Vì vậy, tình trạng sạt lở bờ biển tại đây diễn ra ngày càng phức tạp hơn. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, tình hình sạt lở bờ biển diễn ra nhanh hơn, nhất là trong mùa mưa bão và các đợt gió mùa Đông Bắc. Đi cùng chúng tôi, lão nông Lê Văn Công ở làng Trung Phường chỉ ra biển, rồi nhìn ngôi nhà cũ của gia đình mình giờ nằm chơ vơ giữa sóng biển buồn bã than thở: “Làng Trung Phường có từ trăm năm nay, tất cả đều làm nghề biển, bám biển mà sống đã mấy đời… Vậy mà không hiểu cớ gì, “biển ác vậy”!
Qua Chủ tịch UBND xã Duy Hải, được biết làng Trung Phường có 58 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở, UBND xã đã di dời 19 hộ vào nơi ở xen ghép, 4 hộ dân vào khu tái định cư. Hiện còn 35 hộ dân vẫn cố gắng “bám trụ” tại khu vực nguy cơ sạt lở rất cao, trong đó có 16 hộ nằm ngay sát mép đoạn sạt lở. Từ cuối năm 2018, UBND xã đã tổ chức nhiều buổi làm việc, nhiều lần đến vận động 16 hộ dân này vào khu tái định cư, nhưng chỉ có 5 hộ dân chấp thuận, còn 11 hộ vẫn “kiên quyết bám trụ” tại nơi ở cũ, với lý do liên quan đến công việc làm ăn sinh sống chưa thể di dời…! Cuối năm 2022, đầu năm 2023, tình tình hình mưa bão phức tạp, đã gây sạt lở nghiêm trọng, biển ăn sâu vào đất liền hơn 70 mét khu vực làng Trung Phường, chỉ còn cách nhà các hộ dân chưa đầy 10 mét, khiến các hộ dân sống trong lo sợ. Hiện, UBND xã Duy Hải đang rốt ráo nghiên cứu, tìm nơi tái định cư mới cho người dân. Bởi nếu không chủ động thì chắc chắn đến mùa mưa cuối năm 2023 này, biển sẽ “ngoặm” sạch làng Trung Phường…
Cũng theo Chủ tịch xã Duy Hải, không chỉ các hộ dân còn lại ở làng Trung Phường sống trong lo âu, mà Công ty Đầu tư phát triển Kỳ Hà cũng đang đối mặt với nỗi lo rất lớn. Số là, đơn vị này làm Chủ đầu tư Dự án rừng dừa ven biển hơn 90 ha, được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho thuê đất trong thời hạn 70 năm tại Duy Hải, trong đó có phần diện tích lớn tại làng Trung Phường cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng sạt lở bờ biển. Từ năm 2019 đến nay, hơn chục ha của dự án đã trôi ra biển. Tình hình sạt lở ngày ngày vẫn diễn ra khốc liệt, không chỉ nhà cửa, vườn đất của người dân, dự án rừng dừa, ngay cả những vạt rừng dương, phi lao chắn sóng ven biển đã có cả hàng chục năm cũng trôi dần ra biển…
Trước tình trạng biển đang xâm thực, gây sạt lở phức tạp dữ dội tại Duy Hải, cuối tháng 3-2023, UBND xã Duy Hải đã có báo cáo khẩn cấp với UBND H Duy Xuyên. Trong đó, nêu rõ: Duy Hải đã được UBND tỉnh Quảng Nam quy hoạch xây dựng đô thị hiện đại phục vụ phát triển du lịch, thương mại- dịch vụ cùng với khu vực Nam Hội An, phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Duy Xuyên. Trong những năm qua, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ làm cho diện mạo, dáng dấp của không gian đô thị Duy Hải dần hình thành. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển vùng Đông Duy Xuyên. Chính quyền xã Duy Hải đề nghị huyện, tỉnh Quảng Nam sớm có giải pháp xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực thôn Trung Phường, xã Duy Hải.
Được biết, vào đầu tháng 1-2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định về việc phê duyệt chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Nam, gồm 29 khu vực xung yếu qua địa bàn các huyện, thị xã, thành phố như, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành trên tổng chiều dài 44.426 mét. Trong đó tại huyện Duy Xuyên, có 3 khu vực tại xã Tam Hải với chiều dài 6.350 mét. Trước tình hình sạt lở bờ biển đang diễn ra khốc liệt ở Duy Hải, người dân địa phương đề nghị UBND tỉnh, ngành chức năng tỉnh sớm nghiên cứu, lập dự án, triển khai hệ thống kè biển tại Duy Hải trong thời gian sớm nhất.
Hồng Thanh