Khi mỗi nông dân là một "người bảo vệ"

Thứ hai, 04/11/2024 07:25

Hưởng ứng các hoạt động, mô hình tự quản về ANTT, thời gian qua, hội viên nông dân huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) có nhiều đóng góp trong công tác phòng ngừa các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh ở cơ sở.

Công an xã Tây Giang trao đổi tình hình với Hội Nông dân thôn Thượng Giang 1 (xã Tây Giang).
Công an xã Tây Giang trao đổi tình hình với Hội Nông dân thôn Thượng Giang 1 (xã Tây Giang).

Vì sử dụng trái phép chất ma túy, cuối năm 2023, anh N.T.T. (1998, thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang) bị đưa vào diện quản lý. Gần một năm qua, được Chi hội Nông dân thôn quan tâm, động viên, anh T. quyết tâm rời xa ma túy, chăm chỉ làm lụng, phụ giúp gia đình.

Tương tự, nhờ sự cảm thông, khích lệ từ gia đình và bà con lối xóm, ông T.V.H. (1968, thôn Thượng Giang 1) đã tự cai ma túy thành công, được đưa ra khỏi diện quản lý vào tháng 5-2024. Đây là những kết quả từ mô hình "Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân xã trong công tác phòng chống ma túy trên địa bàn xã Tây Giang", triển khai từ tháng 8-2023.

Ông Tạ Đình Hải, Chi hội trưởng Nông dân thôn Thượng Giang 1 (xã Tây Giang) cho biết: "Các hội viên phối hợp đoàn viên thanh niên tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác với tệ nạn ma túy; tích cực cung cấp thông tin cho Công an xã nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc về ma túy. Để giúp người lầm lỡ, chúng tôi vận động bà con nên chia sẻ, tạo điều kiện giúp họ hòa đồng với xung quanh. Nhắc nhở người thân quan tâm, tạo không khí ấm áp trong gia đình. Địa phương có chương trình, hoạt động gì thì mình ưu tiên họ tham gia, nhận hỗ trợ, tạo động lực để họ từ bỏ ma túy".

Theo Đại úy Nguyễn Văn Giang- Phó trưởng Công an xã Tây Giang, trong năm qua, nhờ nguồn tin từ hội viên nông dân trên địa bàn xã, lực lượng Công an phát hiện, xử lý 2 vụ án ma túy xảy ra trên địa bàn; giúp đỡ 12 người đoạn tuyệt ma túy.

Ở xã Tây An, trong 2 năm qua, mô hình "Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng", đã hỗ trợ 33 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, trong đó 16 trường hợp được xóa án tích, nhiều người có cuộc sống ổn định, từ đó giảm thiểu tình trạng tái phạm.

Điển hình như anh Nguyễn Văn Thiện (1999, trú thôn Đồng Quy, xã Tây An) sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tháng 9-2020. Nhà có sẵn đất hoa màu, anh được các hội viên nông dân gợi ý phát triển nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Nhờ đó, anh Thiện có thu nhập ổn định với nghề trồng ớt tại địa phương và làm thêm rẫy cà-phê ở tỉnh Gia Lai.

Bà Trần Thị Tuyết Anh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây An cho hay, tùy hoàn cảnh từng người mà Hội có cách hỗ trợ phù hợp. Ngoài định hướng nghề nghiệp cho 8 trường hợp, Hội đã hỗ trợ thủ tục vay vốn tín dụng chính sách cho 2 trường hợp với số tiền 70 triệu đồng.

Ở xã Bình Thuận, Hội Nông dân phối hợp Công an xã duy trì 6 tổ tự quản về ANTT tại 5 thôn. Hưởng ứng mô hình camera an ninh, 2 năm qua, các hội viên đã tích cực kêu gọi người dân đóng góp tiền bạc, công sức lắp đặt 7 camera an ninh tại hai thôn Thuận Truyền, Thuận Nhứt và chuẩn bị lắp đặt 3 camera tại thôn Thuận Hiệp.

Với sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đông đảo hội viên nông dân, những năm qua phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện Tây Sơn lan tỏa rộng khắp.

Theo ông Huỳnh Thanh Danh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, Hội Nông dân 15 xã, thị trấn trên địa bàn hiện đang phối hợp các đơn vị thực hiện hiệu quả 63 mô hình tự quản về ANTT. Các mô hình đã góp phần hỗ trợ lực lượng Công an nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kéo giảm các loại tội phạm, đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở.

N.C