Khi người dân Hy Lạp nói "không"

Thứ ba, 07/07/2015 11:03

(Cadn.com.vn) - Tương lai của Hy Lạp ngày càng bất định khi người dân kiên quyết nói "không" trong cuộc trưng cầu dân ý về các yêu cầu thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế.

"Xứ sở thần tiên" tiếp tục lảo đảo trong ngày 6-7 khi gần như đã bước chân ra khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sau khi cử tri áp đảo từ chối các yêu cầu khắc khổ của Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Kết quả cho thấy, khoảng 61% cử tri nói "không", so với 39% nói "có". Cuộc trưng cầu dân ý - lần đầu tiên ở Hy Lạp trong hơn 4 thập kỷ - diễn ra trong bối cảnh Athens đã phá sản và đề ra những hạn chế nghiêm trọng về giao dịch tài chính trong nước.

Kết quả này rõ ràng mang tính chiến thắng quyết định đối với Thủ tướng Alexis Tsipras, người đánh cược tương lai của chính phủ liên minh 5 tháng tuổi - và đất nước của mình - trong một trò chơi "một mất một còn" với các chủ nợ. "Hôm nay chúng ta ăn mừng chiến thắng của dân chủ", ông Tsipras tuyên bố trên truyền hình quốc gia, mô tả ngày chủ nhật vừa qua là "một ngày tươi sáng trong lịch sử của Châu Âu".

Hàng ngàn người ủng hộ chính phủ tưng bừng tổ chức ăn mừng tại Quảng trường Syntagma ở phía trước Tòa nhà Quốc hội, vẫy cờ Hy Lạp và hô vang khẩu hiệu: "Không, không, không!". Thị trường chứng khoán Châu Á cho thấy, giới đầu tư đã được báo động, khi chỉ số chứng khoán giảm. Một số nhà phân tích nói rằng, Hy Lạp đang rất đói tiền mặt, động thái có thể buộc họ phải bắt đầu phát hành tiền tệ riêng của mình.

Trong khi đó, giới chức các nước Châu Âu phản ứng khá gay gắt với kết quả trưng cầu dân ý quan trọng lần này khi kêu gọi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tối hôm nay (7-7) để thảo luận về tình hình. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng "cần phải tôn trọng kết quả bỏ phiếu của người dân Hy Lạp".

"Thật đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp", Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu Cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone - còn gọi là Eurogroup - cho biết. Eurogroup dự kiến cũng sẽ nhóm họp vào hôm nay (7-7). Tuy nhiên, trong động thái khá bất ngờ, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis ngày 6-7 tuyên bố từ chức. Nguyên nhân mà ông đưa ra là do "một số thành viên Eurogroup không hoan nghênh ông tại những cuộc họp của các bộ trưởng tài chính nhóm này". Và do vậy, để không làm yếu thế Thủ tướng Alexis Tsipras, ông quyết định từ chức. Trước đó, ông Varoufakis cảnh báo có thể từ chức nếu người dân Hy Lạp nói "có" trong cuộc trưng cầu dân ý lần này.

Không một quốc gia nào từng rời khỏi khu vực đồng EUR gồm 19 thành viên, được thành lập vào năm 1999. Nhưng kết quả cuộc trưng cầu dân ý lần này cho thấy, Hy Lạp có thể sẽ trở thành thành viên đầu tiên rơi vào hoàn cảnh này.

Thanh Văn