Khi “Nước Mỹ trên hết” chạm trán “Giấc mơ Trung Hoa”

Thứ sáu, 10/11/2017 12:20

Giới chuyên gia cho rằng, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump là “con dao hai lưỡi” đối với Trung Quốc. Nói theo cách khác, ông Trump đang đưa “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình lên “đĩa bạc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 9-11. Ảnh: Reuters

Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump - được đánh dấu bằng cuộc rút lui khỏi chủ nghĩa đa phương - đã mở đường cho Trung Quốc bước vào khoảng trống này.

Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump bị ám ảnh bởi các yếu tố thế mạnh của Washington ở Châu Á- Thái Bình Dương, bao gồm trục liên minh với các nước Nhật-Hàn-Philippines và cả quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng, ông Trump “cho phép” Trung Quốc định hình tương lai thương mại của Châu Á khi quyết định ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trung Quốc không tham gia TPP nhưng đang đẩy mạnh một hiệp định thương mại khu vực khác để đối trọng với TPP.

Việc ông Trump cắt giảm ngân sách cho các tổ chức đa phương, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và LHQ cũng tạo ra cơ hội lớn cho Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng tại những tổ chức do Mỹ sáng lập và tài trợ chính sau Thế chiến II. Tương tự, về khí hậu, việc ông Trump rút khỏi cam kết của Mỹ đối với Hiệp định khí hậu Paris cho phép Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết vấn đề quan trọng của biến đổi khí hậu.

Và nhiều người đã tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi “Nước Mỹ trên hết” gặp “Giấc mơ Trung Hoa”?

Ngày 9-11, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã họp thượng đỉnh tại thủ đô Bắc Kinh. Thương mại trở thành vấn đề gai góc trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Mức thâm hụt thương mại Mỹ-Trung năm 2016 lên đến 347 tỷ USD, và Mỹ cho rằng, Trung Quốc cố tình kiềm giá đồng nhân dân tệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này, qua đó tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Vì vậy, nhiều người dự đoán về tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Trump và khi nó đứng đầu chương trình nghị sự trên bàn hội nghị thượng đỉnh lần này. “Hy vọng, chính quyền ông Trump có thể gây áp lực cho Trung Quốc để có được mối quan hệ kinh tế tương hỗ hơn nữa, bao gồm tăng cường tiếp cận thị trường cho các Cty Mỹ ở Trung Quốc và bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ của các Cty Mỹ”, một chuyên gia nói.

Nhưng ông Trump đã xuống giọng trong vấn đề này. Tổng thống Trump khen ngợi Trung Quốc về những thực tiễn thương mại mà ông từng cáo buộc là “không công bằng” trong “buổi sáng đặc biệt” ở Bắc Kinh. Dù vẫn chỉ trích thâm hụt thương mại của Washington với Bắc Kinh, nhưng ông Trump khẳng định với Chủ tịch Tập rằng: “Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc”.“Xét cho cùng, làm sao có thể đổ lỗi cho một quốc gia khi họ có thể mang lại lợi ích cho một quốc gia khác”, ông Trump phát biểu trong lễ ký kết các thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trị giá hơn 250 tỷ USD.   

Sau khi đắc cử, ông Trump phá vỡ nguyên tắc ngoại giao khi chấp nhận cuộc điện đàm chúc mừng từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và đặt câu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, quốc gia luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không tách rời. Nhưng sau đó, ông Trump khẳng định lại chính sách “Một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm với ông Tập. Và lần này, trong cuộc hội đàm thượng đỉnh tại thủ đô Bắc Kinh, ông Trump khẳng định, Mỹ ủng hộ và tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”.

Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng rất thiện chí khi tuyên bố, nước này sẽ mở cửa và minh bạch hơn với các Cty nước ngoài, trong đó có các Cty Mỹ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng “không có sự bất đồng nào” liên quan đến vấn đề Triều Tiên như việc áp đặt những lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng với Mỹ và cũng khẳng định không chấp nhận một đất nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

KHẢ ANH