Khi yêu thương là chưa đủ

Thứ ba, 15/12/2015 08:34

(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, nhiều vụ học sinh đánh nhau quay clip rồi tung lên mạng với hành vi hết sức côn đồ. Khi tìm hiểu vụ việc, phần lớn đó là những học sinh cá biệt. Việc xử lý giáo dục những học sinh cá biệt không khéo dễ dẫn đến tình trạng "lờn thuốc", không đủ sức răn đe những học sinh khác. Vì vậy, giáo dục học sinh cá biệt là một nhiệm vụ không hề đơn giản, cần cái tâm và cả nghệ thuật sư phạm của người thầy.

Tôi đem chuyện học sinh cá biệt trao đổi với người bạn làm nghề giáo. Bạn cho biết từng thành công với khá nhiều trường hợp cảm hóa, giáo dục học sinh cá biệt, nhưng cũng không ít lần thất bại.

Qua cuộc trò chuyện, bạn tôi chia sẻ rằng với học sinh cá biệt, dạy học bằng tình yêu thương, bằng sự bao dung, vị tha của người thầy là một phương pháp giáo dục tốt nhưng không phải toàn năng và lúc nào cũng hiệu quả. Bởi lẽ, có những học sinh cá biệt hết sức "cứng đầu", mọi biện pháp giáo dục đều vô tác dụng, khi đó sự bao dung của người thầy sẽ làm ảnh hưởng đến những học sinh khác.

Bạn tôi dẫn chứng bằng câu chuyện từ sự trải nghiệm của mình vào năm 2007. Theo lời bạn kể, năm đó, lớp chủ nhiệm có một học sinh cá biệt, chây lười học tập, đi trễ, trốn tiết, đánh bạn, hỗn láo với thầy cô..., nhưng vẫn kiên trì giáo dục bằng tình yêu thương vì hoàn cảnh em rất đáng thương. Nhà có hai mẹ con, người mẹ bươn chải mưu sinh không có thời gian quan tâm con cái, em bị đám bạn xấu trong xóm lôi kéo. Vì vậy, dù em vi phạm nhiều lần bạn tôi vẫn không đưa em ra hội đồng kỷ luật.

Giáo dục học sinh cá biệt đôi khi chỉ yêu thương từ người thầy là chưa đủ (ảnh minh họa). Ảnh: Internet

Nhưng sự bao dung, vị tha của bạn tôi cho những lỗi lầm của học sinh này được em hiểu là bạn tôi bó tay, bất lực, không làm được gì em ấy. Không những vậy, em còn lôi kéo thêm những học sinh khác vi phạm nội quy trường, lớp khiến phong trào của lớp đi xuống. Trước thực trạng đó, một số em chăm ngoan gặp bạn tôi xin chuyển lớp với lý do trong lớp nhiều bạn quậy phá quá không học được. Việc ấy khiến bạn tôi trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Sau đó, bạn tôi quyết định đưa em học sinh cá biệt ra hội đồng kỷ luật. Với vi phạm có hệ thống, em bị đuổi học một năm.

Sau khi "đại ca" của lớp bị đuổi học, những học sinh bị lôi kéo không còn dám vi phạm nữa. Từ đó lớp đi vào nề nếp, phong trào thi đua được đẩy mạnh, tinh thần và kết quả học tập của cá nhân cũng như tập thể tốt lên trông thấy. Điều đáng nói là năm sau em học sinh cá biệt ấy quay lại trường xin được học tiếp. Em cho biết một năm học ở "trường đời" đã trưởng thành lên rất nhiều. Quả thật, những năm học sau đó em không còn là học sinh cá biệt.

Sau sự việc ấy, tôi hiểu rằng với học sinh cá biệt khi yêu thương là chưa đủ thì đuổi học cũng là một biện pháp giáo dục cần thiết có tính răn đe và thức tỉnh học sinh. Có trường hợp đuổi học là thất bại, nhưng cũng có trường hợp đuổi học là một điều nên làm. Vấn đề là khi một học sinh bị đuổi học, nhiều người trong xã hội phán xét nhà trường không làm hết trách nhiệm, đẩy học sinh ra đường, đóng sập cánh cửa tương lai... mà đâu biết với em học sinh cá biệt ấy, giáo viên, nhà trường đã làm tất cả các biện pháp giáo dục nhưng bất thành nên mới sử dụng biện pháp cuối cùng.

Câu chuyện bạn tôi kể khiến tôi thay đổi quan điểm. Trước đây, khi thấy nhà trường đuổi học học sinh là tôi cũng như nhiều người luôn cho rằng nhà trường đóng sập cánh cửa tương lai của học trò, đẩy cái khó ra ngoài xã hội. Trước đây tôi (và hẳn có nhiều người) nghĩ đuổi học là thất bại của người làm giáo dục. Giờ thì tôi hiểu làm giáo dục cũng giống như làm vườn, khi phát hiện sâu bệnh chúng ta phải tìm cành nào, cây nào bị sâu bệnh rồi phun thuốc cứu chữa. Không chữa được thì phải cắt bỏ cành đó, nếu không nó sẽ lây lan phá hỏng cả cây, cả vườn.

Tiếc thay, quan điểm giáo dục này không nhiều người dũng cảm thực hiện vì định kiến xã hội: "Với người làm giáo dục đuổi học học sinh là thất bại"!

Hoài Thuận