Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay
(Cadn.com.vn) - Ngày 17-10, tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chính phủ cho biết: Chỉ tiêu GDP năm nay được Quốc hội thông qua là 6,7%, tuy nhiên mức thực hiện thực tế sẽ thấp hơn, GDP chỉ có thể đạt 6,3-6,5%. Để đạt được mức tăng này, tăng trưởng kinh tế quý IV phải cao hơn nhiều các quý trước.
Đề nghị tăng lương cơ sở 7% trong năm 2017 Trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, một số thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề xuất tăng lương cơ sở thêm 7% trong năm 2017, đạt mức 1.300.000 đồng/tháng. Các thành viên này đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Mai Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. |
Tăng trưởng ước đạt 6,3 – 6,5%
Một số ý kiến cho rằng dự báo những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao hơn là dư địa chính sách tài khóa (phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch), nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút vốn FDI tăng và quy luật GDP quý cuối bao giờ cũng tăng cao hơn các quý trước, thì hầu hết là chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể. Do đó, kết quả ước thực hiện cả năm 2016 GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được, cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong 2 tháng cuối năm.
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến trong Ủy ban đánh giá việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu thu và chi ngân sách chưa hợp lý, nợ xấu chưa được xử lý thực chất. Do vậy, cần đánh giá kỹ hơn về nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh.
Lạm phát có nguy cơ quay trở lại
Có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng các biện pháp quản lý mang tính hành chính như chính sách trần lãi suất là không phù hợp; lạm phát trở lại là nguy cơ đáng chú ý nhất sau thời gian dài duy trì ổn định ở mức thấp, khiến cho cơ hội giảm mặt bằng lãi suất ngày càng nhỏ đi. Có ý kiến lo ngại tình trạng bội chi ngân sách tăng nhanh trong giai đoạn trước sẽ là một trong các rủi ro lớn cho nền kinh tế, nợ công có khả năng vượt trần là 65% GDP trong năm 2016. Việc tăng giải ngân nguồn vốn vay ODA sẽ làm dự toán chi ngân sách nhà nước bị phá vỡ, thâm hụt ngân sách tăng so với dự toán do Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân ODA, đồng thời hiện còn nợ khá lớn các chính sách đã ban hành cùng với xử lý khoản vay về cho vay lại đối với một số doanh nghiệp làm cho giá vốn ở thị trường tăng cao...
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí không đưa ra mục tiêu tổng quát cho từng năm nhưng phải có mục tiêu cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu tổng thể của 5 năm. Về các chỉ tiêu chủ yếu, Ủy ban Kinh tế cho rằng, có chỉ tiêu khó có thể tính toán sự thay đổi hàng năm, do đó cần cân nhắc tính toán thận trọng, khoa học, bảo đảm tính thống nhất, ổn định của các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm với hệ thống chỉ tiêu đã xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020...
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần nhấn mạnh hơn một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục độ trễ quá dài giữa thời gian ban hành chính sách và thực tế triển khai; loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, rà soát cắt giảm thực sự các chi phí không hợp lý do quy định và thực thi pháp luật gây ra cho doanh nghiệp và người dân.
Thu Thủy – TTXVN