Khó đôi bàn tay...
(Cadn.com.vn) - Nằm trên đường Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam), tiệm massage vợ chồng anh Trần Ngọc Quang và chị Nguyễn Thị Thu (P. Cẩm Châu, Hội An) là cơ sở massage của người khiếm thị đầu tiên và duy nhất tại phố Hội. Được thành lập cách đây 3 năm, "Xoa bóp người mù Hội An" đang dần khẳng định chất lượng, uy tín. Anh Quang nhớ lại: "Những ngày đầu được thành lập cơ sở gặp không ít khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Song khó khăn nhất ở khâu cấp giấy phép". Nhưng với sự nhiệt huyết, anh Quang vẫn cố gắng kiên trì theo đuổi lựa chọn của mình và rồi cái ngày tiệm massage đi vào hoạt động cũng đến.
Chị Thu kể: "Cả hai vợ chồng đều khiếm thị nên rất khó khăn. Dù có nghề nhưng đi xin việc ở đâu cũng không được bởi người ta chê. Xuất phát từ thực tế trớ trêu ấy, vợ chồng tôi cùng kết hợp với nhóm bạn học chung tại Trung tâm giáo dục Hội Người mù TP Nha Trang quyết tâm gầy dựng một cơ sở để thu hút, tạo công ăn việc làm cho người có hoàn cảnh như mình".
Thoạt nhìn, cơ sở "Xoa bóp người mù Hội An" bên ngoài không mấy hoành tráng, nhưng với lối phục vụ tận tâm và chu đáo cơ sở thu hút được khá nhiều khách trong và ngoài nước với 3 phòng massage và xông hơi cùng trang thiết bị đáp ứng nhu cầu thư giãn của khách. Không những thế, tại đây các nhân viên còn vận dụng các bài trị liệu nhằm giúp hồi phục sức khỏe và chữa trị các bệnh về cột sống, xương khớp.
Với 7 người gồm Ngọc Quang, Thị Thu, Quốc Tuấn, Y-Bum, Duy Vinh, Thị Lợi và Thị Hợp, được làm việc và có thu nhập hàng ngày "là một niềm hạnh phúc" và "được sẻ chia". Bởi không chỉ hành nghề, "Xoa bóp người mù Hội An" còn nhận truyền nghề cho những người khiếm thị, giúp họ có thể tự mưu sinh bằng chính đôi tay mình. Đến đây, học viên sẽ được hướng dẫn mọi "đường đi nước bước" trong nhà, từ phòng ngủ, toilet, phòng bếp, phòng massage, đến những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt... sau đó mới bước vào giai đoạn học việc.
Thông cảm cho hoàn cảnh của nhau, anh Quang- chị Thu không quá khắt khe trong tuyển chọn nhân sự làm việc tại cơ sở. "Chỉ cần có chứng chỉ hành nghề và sức khỏe tốt là đủ, nhưng nếu biết thêm tiếng Anh càng được hoan nghênh. Bởi Hội An là thành phố du lịch", anh Quang cho biết.
![]() |
Tấm bảng hiệu do một nữ du khách người Australia tặng "Xoa bóp người mù Hội An" sau khi đến đây massage. |
Massage là một loại hình dịch vụ khá "nhạy cảm". Bởi vậy, mặc dù là cơ sở của người khuyết tật, nhưng cơ sở "Xoa bóp người mù Hội An" cũng gặp không ít chuyện "cười ra nước mắt". Nhiều trường hợp khách nam say xỉn đòi hỏi phải có thanh nữ mới làm, không thì quay lưng đi với những lời lẽ thiếu tế nhị. Không những thế có những khách đến đòi hỏi nhân viên khác giới phải phục vụ luôn cả khoản... "đặc biệt". Song tất cả những nhu cầu "thái quá" của khách đều bị nhân viên và quản lý ở đây từ chối thẳng thừng. "Thi thoảng có những người đồng tính đến làm rồi lợi dụng giở trò với những nhân viên nam khiến đôi bên lời qua, tiếng lại rồi bỏ đi mà không thanh toán tiền... chúng tôi chỉ biết im lặng, chứ chẳng biết làm gì", anh Duy Vinh chia sẻ.
Nhưng hiện tượng "khác người" đó chỉ là số ít. "Mỗi ngày, vẫn còn đó những khách hàng rất tốt bụng. Họ đến để ủng hộ chúng tôi, nhiều người quan tâm động viên chúng tôi vượt qua các rào cản của cuộc sống, định kiến của xã hội", chị Trần Thị Hợp bộc bạch.
Trong số những "Mạnh Thường Quân" của cơ sở, câu chuyện về sự giúp đỡ của một cô khách hàng tên Jennifer (người Australia) đến từ sự tôn trọng nghị lực của các nhân viên khiếm thị. Nhận thấy những khó khăn về mặt ngôn ngữ của những nhân viên ở đây khi phải tiếp những khách nước ngoài, cô Jennifer đã tặng cơ sở một bảng hiệu chứa đựng toàn bộ những thông tin và giá cả phục vụ nhằm giúp nhân viên ở đây dễ dàng hơn trong việc giao tiếp và phục vụ khách. Giờ đây, bảng hiệu đã được treo ở một vị trí trang trọng trong cửa tiệm như một cách để tất cả những con người khiếm thị nơi đây nhớ về cô.
"Tôi biết đến cơ sở massage này nhờ người bạn vừa sang thăm Việt Nam vào tháng trước. Ở đây, các anh chị dù khuyết tật nhưng làm việc rất chuyên nghiệp. Tôi cảm thấy rất hài lòng vì ở đây giá cả phải chăng, được niêm yết một giá chứ không "chặt chém" khách nước ngoài như ở những nơi tôi đã từng đến", Helen (26 tuổi), du khách đến từ New Zeland nhận xét.
Tự phá bỏ mọi rào cản, vượt lên số phận trở thành người có ích, những chủ nhân của cơ sở "Xoa bóp người mù Hội An" khẳng định rằng, trong mỗi con người luôn tồn tại một giá trị nhân văn cao đẹp. Và có lẽ, họ cũng là một trong số những nhân tố góp một phần không nhỏ vào việc phát triển thương hiệu, uy tín cho du lịch của Hội An nói riêng, Việt Nam nói chung.
Thanh Hương