Khó giữ rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên (Kỳ 1: Khu bảo tồn "gánh" 4 nhà máy thủy điện)

Thứ năm, 05/04/2018 17:00

Thành lập từ năm 2002, với diện tích hơn 41.000 ha trên 43 tiểu khu, thuộc địa bàn hai huyện Phong Điền và A Lưới (TT-Huế), Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Phong Điền là nơi ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) độc đáo và có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Nằm trong vùng sinh thái Trường Sơn, KBTTN Phong Điền được nhiều nhà khoa học biết đến với những phát hiện kỳ thú về các loài động, thực vật quý hiếm. Năm 1924, nhà tự nhiên học người Pháp - Cean Dela Coul đã phát hiện ở vùng rừng phía Tây huyện Phong Điền có một cặp gà lôi lam mào trắng và đưa về nuôi tại Pháp. Từ đó, giới chuyên môn về chim trên thế giới cho rằng, gà lôi lam mào trắng đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Cho đến 72 năm sau, gà lôi lam mào trắng mới xuất hiện trở lại tại vùng rừng phía Tây huyện Phong Điền. Đây cũng là vùng duy nhất trên thế giới có gà lôi lam mào trắng sinh sống. Nhiều loài chim quý khác cũng được ghi nhận ở đây như: gà so Trung bộ, gà so ngực gụ, trĩ sao...

KBTTN Phong Điền (ảnh) có nhiều loài được ghi trong Danh lục đỏ.

Bên cạnh đó, một số loài thú quý hiếm khác cũng được phát hiện tại KBTTN Phong Điền như sao la, mang lớn, hổ, báo gấm, gấu ngựa, vượn đen má hung, cầy vằn... Kết quả khảo sát đã ghi nhận, KBTTN có 44 loài thú (7 bộ và 20 họ), trong đó có 19 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN và 16 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Theo cơ quan hữu quan, việc thành lập KBTTN Phong Điền nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọa, các loài đặc hữu của vùng núi thấp miền Trung; duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông lớn Mỹ Chánh, Ô Lâu, sông Bồ.

Tuy nhiên, năm 2008, UBND tỉnh TT-Huế quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện (TĐ) nhỏ ở địa phương này. Theo đó, trong số 8 thủy điện đầu tư thì có đến 4 TĐ nhỏ gồm: Alin B1, AlinB2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 nằm trong KBTTN Phong Điền. Trong đó, Dự án (DA) Nhà máy TĐ Alin B2 được xây dựng trên suối Alin tại X. Phong Mỹ, X. Phong Xuân (H.Phong Điền) và X.Hồng Vân (H.A Lưới) với tổng mức đầu tư hơn 655 tỷ đồng. Dự kiến quý IV/2018, DA sẽ bắt đầu đi vào hoạt động với công suất thiết kế điện lượng trung bình hằng năm 66,25 triệu Kwh. Đối với DA thủy điện Rào Trăng 3, vị trí xây dựng công trình trên sông Rào Trăng (nhánh cấp I của sông Bồ) thuộc địa bàn X.Phong Xuân, H.Phong Điền. DA có nhiệm vụ chính là phát điện lên lưới điện quốc gia. Còn TĐ Rào Trăng 4, vị trí xây dựng DA được chọn trên sông Rào Trăng thuộc X.Phong Xuân. Dự án có nhiệm vụ chính là phát điện lên lưới điện quốc gia, các thông số chính của DA được điều chỉnh theo nhu cầu thực tế, trong đó diện tích lưu vực 115,5 km2, công suất lắp máy bằng 14 MW và điện lượng trung bình hàng năm trên 46 triệu kWh. Thủy Điện Rào Trăng 4 sẽ đưa vào vận hành vào quý I/2019.

Những ngày đầu tháng 4-2018, chúng tôi có mặt tại các công trình nhà máy TĐ  nằm trong Khu BTTN Phong Điền. Theo ghi nhận, với thời tiết nắng ráo nên các công trình TĐ đang được thi công nhộn nhịp, nhiều hạng mục được triển khai cùng lúc với số lượng công nhân lên đến hàng trăm người... Qua tìm hiểu, được biết TĐ Alin B2 đã thi công hoàn thành nền đường của hạng mục đường vận hành thi công, đường điện 22 KV phục vụ thi công, một số hạng mục cụm đầu mối, đường hầm dẫn nước, hạng mục tháp điều áp, hoàn thành toàn bộ khu phụ trợ đã thi công. Trong khi đó, TĐ Rào Trăng 3 đang xây dựng các hạng mục phụ trợ, cống dẫn đường, đang đào móng xây dựng nhà máy. Tại TĐ Rào Trăng 4, đã hoàn thành các hạng mục như: đập tràn, cửa nhập nước, đập dâng, đập phụ, nhà máy...

Rào Trăng 4 (ảnh) là 1 trong 4 nhà máy TĐ nằm trong KBTTN Phong Điền.

Theo ông Đặng Vũ Trụ- Giám đốc KBTTN Phong Điền, để xây dựng 4 nhà máy TĐ nói trên, có khoảng hơn 100 ha rừng nghèo và đất trống trong khu bảo tồn phải chuyển đổi mục đích sử dụng để bàn giao cho TĐ. "Không thể phủ nhận sự tác động của những công trình này lên việc bảo tồn nhưng cũng không nên giữ quan điểm cực đoan trong bảo tồn. Việc xây dựng này có lợi ích rất lớn trong tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vấn đề là phải giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào để giảm thiểu sự tác động. Khi lập quy hoạch, chúng tôi cũng đã tham mưu, kiến nghị những giải pháp để có sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển" - ông Trụ nói. Ông Trụ cho rằng, phương án thi công cũng giảm thiểu tối đa tác động lên KBTTN. Trong đó, đường dây điện dẫn dòng ở 4 nhà máy này đều men theo TL71; các TĐ xây dựng theo kiểu bậc thang, trong đó Alin B2 đào hầm xuyên núi dẫn nước vào phát điện... nên giảm thiểu phá rừng trong KBTTN.

HẢI LAN (còn nữa)