Khó khăn trong quản lý du lịch tự phát ở Hòa Bắc

Thứ năm, 10/03/2022 15:13

Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cách Trung tâm TP Đà Nẵng hơn 30km về hướng Tây Bắc, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi có địa thế đẹp, diện tích Hòa Bắc trải dài bên dòng sông Cu Đê trong xanh, hai bên là đồi núi trập trùng ngược theo thượng nguồn sông Cu Đê, còn gọi là sông Nam, về hướng Tây là chân của dãy Bà Nà Núi Chúa, theo sông Bắc hướng Tây Bắc là dãy Bạch Mã với nhiều điểm phong cảnh vô cùng tuyệt đẹp, thu hút khách du lịch đến với Hòa Bắc.

Một nhóm du lịch tự phát cắm trại đốt lửa ven sông Cu Đê ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc...   

Từ cuối năm 2020, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định về việc ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang, trong đó có vùng Hòa Bắc, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên để đề án này đi vào hiện thực cần rất nhiều vấn đề, trong đó yếu tố nguồn đầu tư là vấn đề khó khăn nhất. Thực trạng đặt ra, chính quyền và ngành chức năng đang rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý loại hình du lịch tự phát khi người dân đổ về Hòa Bắc để tận hưởng thiên nhiên ở địa phương này.

Ông Hồ Phú Thanh- Phó Chủ tịch UBND phụ trách Văn hóa- Xã hội xã Hòa Bắc cho biết, thực hiện đề án của UBND TP Đà Nẵng, thời gian qua trên địa bàn xã đã phát triển một số điểm mô hình du lịch cộng đồng như điểm du lịch Yên Reteat ở thôn Nam Yên, homestay Nam Yên, homestay A Lăng Như ở thôn Tà Lang, nhưng quy mô vẫn còn rất nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu và lượng khách du lịch đến với Hòa Bắc. Thời gian cuối năm 2021, nhất là thời điểm thành phố nới lỏng việc giãn cách, cách ly phòng chống dịch bệnh COVID-19, lượng khách du lịch tìm về Hòa Bắc rất đông, nhất là những ngày cuối tuần, các ngày lễ, Tết. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng qua công tác quản lý, theo dõi của chính quyền, ngành chức năng, lượng khách du lịch chủ yếu là học sinh, sinh viên, người dân từ vùng nội đô thành phố. Những điểm lượng khách du lịch tự phát này thường đến là các bãi bồi ven sông Cu Đê tại thôn Phò Nam, khu vực Vũng Bột thôn Tà Lang, những điểm ven sông, ven suối ở đầu nguồn sông Nam, sông Bắc…

Vấn đề đặt ra ở đây là chính quyền địa phương rất khó khăn trong công tác quản lý, nhiều đoàn khách tự cắm trại rồi đốt lửa chế biến thức ăn, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, buộc chính quyền phải huy động người dân các thôn ra quân dọn dẹp.  Nhiều thanh niên, học sinh còn mang theo cả thuyền cao su tổ chức thi bơi dưới sông Cu Đê, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước… Nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây mất ANTT khác như các nhóm đi du lịch tự phát uống rượu bia say, đánh nhau, gây rối, rồi phát sinh tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm…

Ông Thanh cho biết, nếu như các điểm du lịch cộng đồng đều có giấy phép đăng ký kinh doanh, các dịch vụ lưu trú của khách được quản lý chặt chẽ, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, thì các điểm du lịch tự phát rất khó quản lý. Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường thì các vấn đề liên quan đến ANTT chưa xảy ra, nhưng hàng tuần, hàng tháng UBND xã trong các cuộc họp đều quán triệt các ngành chức năng như Công an, dân phòng, lực lượng tuần tra 8394 thường xuyên ra quân kiểm tra, tuyệt đối không cho khách du lịch tự phát lưu trú qua đêm tại địa phương.

Du khách tự tổ chức thi bơi thuyền trên sông Cu Đê, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước.

Khách du lịch tự phát đến địa phương chỉ được vui chơi sinh hoạt không quá 20 giờ đêm trong ngày. Tuy nhiên do địa bàn quá rộng, việc quản lý, kiểm tra của lực lượng chức năng cũng không thể bao quát hết, nhiều du khách nhất là thanh niên, sinh viên còn kéo lên tận rừng sâu cắm trại qua đêm, gây khó khăn trong công tác giải quyết, xử lý nếu xảy ra vấn đề gì bất trắc. Mùa hè sắp đến dự báo tình trạng du lịch tự phát trên địa bàn Hòa Bắc sẽ còn rất phức tạp, chính quyền đang tìm biện pháp để quản lý chặt chẽ loại hình du lịch này.

Theo ông Thanh, hầu hết các điểm mà khách du lịch tự phát tìm đến đều là các khu vực bãi bồi, bờ sông, bờ suối nằm trong diện tích 5% đất do UBND xã quản lý, nếu có một cơ chế pháp lý là giao cho các cá nhân, tổ chức đấu thầu, rồi tổ chức cho du khách đến cắm trại, sinh hoạt, vui chơi thì sẽ dễ dàng hơn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương. Được biết cuối năm 2021, Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang đã Ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển xã Hòa Bắc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có vấn đề phát triển du lịch Hòa Bắc, nhằm phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội địa phương. Đây có lẽ là một biện pháp ngành chức năng thành phố, huyện Hòa Vang cần lưu tâm trong thời gian tới.

Hồng Thanh