Khó kiểm soát hàng lậu, hàng nhái tràn về nông thôn
Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam liên tiếp bắt giữ, tiêu hủy nhiều lô hàng lậu, hàng nhái có giá trị lên đến hàng tỷ đồng, song thực tế cuộc chiến chống hàng lậu, hàng nhái vẫn khó kiểm soát. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường kinh doanh mà còn tác động xấu đến sự phát triển KT-XH, ANTT, nhất là sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng…
Lực lượng chức năng Quảng Nam tiêu hủy hàng lậu, hàng nhái, trong đó có nhiều đồ chơi trẻ em nhập lậu mang tính bạo lực. |
Mới đây, ngày 22-3, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam tiến hành tiêu hủy số lượng lớn các mặt hàng vi phạm với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, gồm: 1.090 đồng hồ nhái nhãn hiệu Casio (trị giá hơn 1,6 tỷ đồng), gần 1.200 bộ đồ chơi trẻ em, 135 chai rượu, gần 2.600 bao thuốc lá các loại nhập ngoại trái phép. Ngoài ra, lực lượng QLTT cũng tiêu hủy tại chỗ hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng, bột nêm giả, đồ uống, mỹ phẩm các loại, hàng nghìn sản phẩm mũ bảo hiểm kém chất lượng, dây điện máy phát và sản phẩm dùng trong lĩnh vực y tế…
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, trong tháng 3-2019, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý 131 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng. Cơ quan Công an tỉnh đã xử lý 12 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 334 triệu đồng. Các cơ quan chức năng Quảng Nam cho hay, hàng giả hàng nhái hiện nay không chỉ có xuất xứ từ nước ngoài, mà còn được sản xuất trong nước. Hiện tại các mặt hàng may mặc, đồng hồ, kính mắt, mỹ phẩm, đồ chơi… là những mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhiều nhất được cơ quan chức năng phát hiện.
Đơn cử ngay trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, CAH Núi Thành (Quảng Nam) đã kiểm tra đột xuất 2 cửa hàng buôn bán đồ chơi trẻ em của bà Phan Thị Nhã Phương (1988) và bà Nguyễn Thị Yên (1943, đều trú TT Núi Thành) đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh này có hành vi mua bán, tàng trữ số lượng lớn súng nhựa, đồ chơi trẻ em nguy hiểm và pháo. Tại 2 cửa hàng trên, lực lượng CA thu giữ gần 300 khẩu súng nhựa các loại (có cả súng bắn đạn bi), 43 cây pháo các loại, 132 viên pháo và nhiều đồ chơi trẻ em dạng vũ khí nguy hiểm. Tất cả hàng hóa trên đều có nhãn mác Trung Quốc và không có giấy tờ hợp lệ. Hay như vào cuối năm 2018, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Quảng Nam) phối hợp với CSGT CA tỉnh Quảng Nam đã phát hiện 2.000 gói thuốc lá hiệu Lotus do nước ngoài sản xuất vận chuyển trên xe khách BKS 15B-0107. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Vũ Văn Tùng (1979, trú An Dương, TP Hải Phòng) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số thuốc lá nói trên.
Theo cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam, số lượng lớn hàng lậu, hàng giả hiện nay được các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh buôn bán tiêu thụ với thủ đoạn rất tinh vi. Trong khi đó, công tác kiểm tra, phát hiện hàng lậu, hàng giả của lực lượng chức năng chưa đồng bộ nên hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn chưa triệt để. Bên cạnh đó, do lợi nhuận từ hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả quá cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng vi phạm vẫn cố tình hoạt động. Ông Đoàn Ngọc Sơn- quyền Cục trưởng Cục QLTT Quảng Nam, chia sẻ: “Tình hình hàng lậu, hàng nhái những năm qua đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán diễn biến phức tạp. Đơn cử như với thuốc lá, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng hóa đơn chứng từ quay vòng để hợp thức hóa hàng nhập lậu, xé lẻ hàng hóa nhập lậu để vận chuyển vào nội địa, thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng để tránh sự kiểm soát. Các sản phẩm khác thì đối tượng làm hàng giả đã hết sức tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật và được thay đổi mẫu mã thường xuyên. Các đối tượng vận chuyển hàng giả, hàng nhái về những vùng nông thôn, bán cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ với giá rẻ. Đây là những yếu tố gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát”.
Ông Huỳnh Khánh Toàn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam về chống buôn lậu, gian lận thương mại, cho biết: Năm 2019, Quảng Nam tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hàng giả bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng việc công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và cảnh giác. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi sát diễn biến thị trường, thu thập thông tin để phục vụ công tác kiểm tra thị trường đạt hiệu quả. Kịp thời kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm khi nhận được tin báo của người tiêu dùng, của doanh nghiệp. Cụ thể, Quảng Nam đề ra mục tiêu 100% các vụ việc phát hiện, bắt giữ trong năm 2019 phải được xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Kết quả phát hiện, đấu tranh, bắt giữ các vụ việc buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả năm 2019 phải tăng ít nhất 5% so với năm 2018.
ĐỒNG DAO