Kho lúa của người Sedang

Thứ sáu, 10/02/2023 17:52
Tây Nguyên trước đây, kho lúa bao giờ cũng được các sắc dân bản địa coi trọng hơn ngôi nhà. Bởi nhà chẳng may bị cháy còn có thể làm lại nhưng kho lúa cháy rồi thì biết lấy gì để ăn.
Mô hình kho lúa của người Sedang được các nghệ nhân Sedang tái hiện trong không gian Triển lãm Thiên đường Tây Nguyên tại Đà Lạt.
Mô hình kho lúa của người Sedang được các nghệ nhân Sedang tái hiện trong không gian Triển lãm Thiên đường Tây Nguyên tại Đà Lạt.

Trên cơ sở đặc tính canh tác, cộng thêm chiêm nghiệm, người Sedang (Măng Đen, Kon Plông, Kon Tum) đã sáng tạo nên một dạng thức văn hóa vô cùng độc đáo - kho lúa để ngoài trời - chứ không đặt luôn trong nhà. Mặc dù không nổi bật giữa không gian cộng đồng như nhà rông, nhưng kho lúa vẫn toát lên vẻ đẹp rất riêng: dáng vóc, vật liệu, kỹ thuật dựng... Người Sedang khai thác những vật liệu có sẵn trong rừng, rồi dựng nên kho lúa, phù hợp với điều kiện tự nhiên, cùng tập tục canh tác nơi mình đang cư trú. Thoạt nhìn, kho lúa của người Sedang mang dáng dấp dạng nhà sàn, kích cỡ vừa phải, không quá lớn cũng không quá nhỏ. Cư dân nơi đây sẽ căn cứ vào sản lượng thóc của vụ mùa để quyết định diện tích kho lúa bao nhiêu là đủ. Trên khoảnh đất bằng phẳng, cao độ phù hợp, thoáng mát và an toàn, ấy là vị trí được người Sedang chọn dựng kho lúa.

Phần chân đế kho lúa gồm 4 cột gỗ to (hoặc 6, 8, 10 hoặc 12 cột, tùy thuộc diện tích kho lúa lớn hay nhỏ), chất liệu gỗ tốt, nhằm tránh bị hư hại bởi mối, mọt và mục ruỗng do thời gian. Rường, mái kho lúa thì sử dụng những loại cây không bị mọt ăn, nhẹ và bền. Sàn, vách kho lúa ghép bằng ván gỗ, hoặc đan bằng tre, nứa, lồ ô... rồi dùng các loại dây rừng buộc cố định. Mái kho lúa được lợp bằng cỏ tranh. Riêng phần đựng thóc của kho lúa, phía dưới và phía trên được thiết kế hơi thu lại, phần giữa thì nở to ra, rất ấn tượng.

Đặc biệt, người Sedang còn sáng tạo thêm những chiếc bánh xe tròn bằng gỗ, rồi ốp vào giữa các cột trụ làm vật cản, ngăn chuột, sóc trèo từ dưới đất lên kho lúa cắn phá thóc. Ngay phía dưới kho lúa là không gian dành cho việc treo các dụng cụ nấu ăn. Nồi, xoong tượng trưng cho sự sống, cũng là mong cầu sự no đủ, luôn luôn đầy lương thực. Ngoài ra, việc treo nồi, xoong ngay dưới kho lúa còn mang thêm hàm nghĩa: mong Thần Lúa chứng kiến sự sống của dân làng, chở che cho dân làng có một cuộc sống ấm no, sung túc... Cửa của kho lúa là dạng cửa bông thõng xuống, kết từ những thanh nứa hoặc những tấm ván gỗ, buộc cố định bằng dây rừng ở phía trên, hướng mở cửa về phía rừng. Ưu điểm của kiểu cửa dạng này là khi mở để lấy thóc không cần phải đóng, cửa cũng tự sập xuống vì lực hút trái đất.

Trường hợp thóc trong kho vơi, mỗi khi lên rẫy chăm sóc lúa, người Sedang cũng có thể sử dụng kho lúa làm chỗ nghỉ trưa, tránh mưa, nắng và ruồi, muỗi. Trước đây, việc dựng kho lúa, hay như cách thức đưa lúa về kho đều phải tiến hành các nghi lễ tâm linh, phải huy động sự đóng góp vật chất, công sức lao động của cộng đồng. Nó là nét văn hóa đặc sắc của các cư dân thuộc nền văn minh thảo mộc, thể hiện sự cộng cư, cộng cảm, tương trợ và cố kết cộng đồng. Ngày nay, nhiều người Sedang không còn làm lúa, nhiều nghi lễ tâm linh cũng thưa dần trong đời sống cộng đồng, nhưng không vì thế mà kho lúa của người Sedang mất đi vai trò, vị trí, tầm ảnh hưởng của mình.

Cùng với cây lúa cạn, nó vẫn là một biểu tượng của phương thức sản xuất kinh tế - kinh tế rẫy đồi - tôn trọng tự nhiên, nương theo tự nhiên, tận dụng sức mạnh của tự nhiên, chứ không chinh phục tự nhiên bằng mọi giá. Thêm nữa, việc giải mã và tái tạo những biểu tượng văn hóa truyền thống - như trường hợp kho lúa của người Sedang chẳng hạn - để tạo ra hệ giá trị tinh thần mới phù hợp với sự phát triển của thời đại, nhất thiết phải kinh qua con đường học hỏi, kế thừa, phát triển các giá trị cốt lõi trong văn hóa truyền thống. Thế nên, vai trò của kho lúa ở thời điểm hiện tại chính là gợi thức, khai phóng những ý tưởng sáng tạo các dạng thức văn hóa mới.

Trịnh Chu