Khó như bảo vệ rừng giáp ranh

Thứ hai, 20/07/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Rừng giáp ranh luôn là trái bóng bị đá qua lại, lợi dụng cơ hội này lâm tặc, người dân biến rừng thành miếng mồi ngon. H. M'Đrắc (Đắc Lắc) là địa phương có rừng giáp ranh với 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa nên công tác tuần tra bảo vệ cũng hết sức nan giải... Ngay khi tiếp xúc, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H. M'Đrắc Lê Ngọc Tam khẳng định rằng với điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, lại là vùng giáp ranh nên công tác quản lý rừng của anh em gặp bất lợi. Ngoài ra, với vùng đệm xuyên suốt các xã có điều kiện kinh tế khó khăn và đồng bào di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc cũng là áp lực. M'Đrắc là một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắc Lắc, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột 90 km về hướng đông. Với diện tích tự nhiên 133,6 nghìn héc-ta, trong đó diện tích có rừng hơn 66 nghìn héc-ta , giáp ranh với các huyện Sông Hinh (Phú Yên), Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Con số được Hạt Kiểm lâm M'Đrắc cung cấp: từ năm 2012 đến năm 2014, tại vùng giáp ranh với H. Sông Hinh (Phú Yên) đã xảy ra 32 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 95 m3 gỗ, 7 xe độ và máy cưa. Cũng trong thời gian này, tại địa phận giáp ranh với H. Khánh Vĩnh và Ninh Hòa (Khánh Hòa) tình hình vi phạm lâm luật cũng hết sức phức tạp với 49 vụ được phát hiện, 16 xe độ chế, 11 cưa máy... Những con số biết nói này đã một phần khái quát tình hình ở đây.

Mùa mưa 2015, báo hiệu một đợt phá rừng làm nương rẫy mới.

Ông Lê Ngọc Tam giải thích rằng nguyên nhân của các vụ việc này là do địa bàn giáp ranh có địa hình đồi dốc, nguy hiểm nên việc tuần tra rất khó khăn. Một thực tế là lâm tặc khai thác ở vùng rừng của tỉnh này, nhưng khi lực lượng chức năng phát hiện thì dạt qua tỉnh khác. Nhiều lúc anh em phát hiện, di chuyển lên đến hiện trường thì các đối tượng đã lẩn trốn hay bỏ sang địa phận khác. Như đầu năm 2015, số vụ vi phạm lâm luật là 10 vụ, chủ yếu là bắt giữ lâm sản (gỗ) khi các đối tượng vận chuyển. Nhưng cũng vất vả lắm vì xe cộ dùng để chuyển gỗ là xe độ chế hay xe hết niên hạn sử dụng được mua từ các tỉnh khác. Khi phát hiện, lái xe bỏ của chạy lấy người là chuyện thường tình.

Tang vật vi phạm tại Hạt Kiểm lâm M'Đrắc.

Một vấn đề khác cũng không kém phần nan giải mà lực lượng kiểm lâm ở đây phải đối mặt là tình trạng người dân địa phương phá rừng ở các vùng đệm để làm nương rẫy. Xã Ea Trang, dọc theo những tuyến đường người dân chặt phá cây, đốt bỏ thực bì để "điền" vào đó là lúa, ngô và sắn. Thôn Ea Bra (Ea Trang) hình thành năm 2010, với 91 nóc nhà, 524 khẩu chủ yếu là đồng bào di dân từ hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang với tình trạng thiếu đất canh tác nên việc phá rừng làm nương rẫy là không tránh khỏi. Nhiều hộ dân ở đây cho biết rằng việc phá rừng thuộc khu vực vùng đệm là điều vi phạm pháp luật, nhưng họ đành nhắm mắt làm liều, nếu không thì lấy đâu ra ngô, khoai ăn.

Di dân tự do là mối lo ngại đối với những người bảo vệ rừng.

Mùa mưa năm 2015, xác định việc phá rừng làm nương rẫy là điểm nóng, Hạt Kiểm lâm H. M'Đrắc xây dựng nhiều phương án nhằm tuyên truyền cho người dân về vấn đề này. Kiểm lâm cơ sở và việc tăng cường kiểm lâm viên xuống địa bàn là một trong những kế hoạch được triển khai đầu tiên. Việc thứ hai là kết hợp giữa lực lượng kiểm lâm ba tỉnh trong việc chia sẻ thông tin và hiệp đồng khi làm nhiệm vụ. Ông Tam lưu ý rằng để bảo vệ tốt rừng giáp ranh, cần thiết nhất là mối liên hệ chặt chẽ giữa các địa phương có rừng, nếu có sự vụ xảy ra thì không bị động và lâm tặc cũng không lợi dụng cơ hội này mà đào thoát.

Tứ Đức