Khổ như nhà thầu phụ thành... chủ nợ

Thứ năm, 21/08/2014 09:22

(Cadn.com.vn) - Là một nhà thầu phụ được giao khoán xây lắp hạng mục cống hộp trên đường dẫn vào Dự án thủy điện Đăkmi 2 (Quảng Nam), Cty TNHH Hải Triều (Cty HT, trụ sở tại Quảng Trị) đã thực hiện đúng hợp đồng và hoàn thành công trình. Vậy nhưng, sau 4 năm công trình được đưa vào sử dụng, Cty HT vẫn chưa nhận được tiền hoàn công nên ông Trần Đình Báo, người đại diện Cty HT, phải bán nhiều tài sản để trả nợ vay ngân hàng; đã vậy hàng chục lần đi đòi nợ thì bị nhà thầu chính, chủ đầu tư né trách nhiệm. Bất lực, ông phải gửi đơn cầu cứu đến cơ quan báo chí và công an.

Đường đã mòn, nợ vẫn "treo"

Đầu năm 2011, Cty HT được Chi nhánh Cty CP Sông Đà 19 tại Đà Nẵng (viết tắt: Cty SĐ19 ĐN) ký hợp đồng thi công hạng mục cống hộp tại gói thầu DMII-16 làm đường vào thủy điện Đăkmi 2 (xã Phước Công, H. Phước Sơn, Quảng Nam). Đến giữa năm 2011, Cty HT hoàn thành các hạng mục đã ký kết với Cty SĐ19 ĐN, với tổng số tiền công là 555.000.000 đồng. Ông Trần Đình Báo được Cty HT ủy quyền liên hệ với Cty SĐ19 ĐN để thanh toán số tiền nói trên nhưng nhà thầu chính chỉ cho tạm ứng 150 triệu đồng, số còn lại cho đến nay vẫn không lấy được.

Do đó, ròng rã 4 năm trời ông Báo phải từ Quảng Trị vào Đà Nẵng, Quảng Nam rồi lên Kon Tum để đòi nợ nhưng lần nào cũng về tay không. "Khoảng 25 lần tôi tìm gặp ông Châu Hà Nhân, Giám đốc CN SĐ19 ĐN để yêu cầu trả nợ, nhưng lần nào cũng bị từ chối, đẩy trách nhiệm cho chủ đầu tư dự án thủy điện Đăkmi 2 là Cty CP Năng lượng Agrita Quảng Nam", ông Báo bức xúc. Theo lời ông, để thi công hạng mục cống hộp trên đường vào thủy điện do CN SĐ19 ĐN "bán" lại, ông đã cầm sổ đỏ ngôi nhà ở Đông Hà để vay tiền ngân hàng, 4 năm nay, lãi mẹ đẻ lãi con, ông phải bán nhà, bán ô-tô, gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Công trình do Cty Hải Triều thi công cho dự án Thủy điện Đăkmi 2 đã sử dụng 4 năm nay.

"Con nợ"... phủi tay?

Khi làm việc với chúng tôi, ông Châu Hà Nhân, người đứng ra ký hợp đồng với Cty HT "rào đón" rằng: Hồi ký hợp đồng kinh tế, ông là Giám đốc CN SĐ19 ĐN nhưng giờ Cty đã giải thể nên ông không liên quan gì hết. Hiện ông là Giám đốc Cty thủy điện Đăklây (Kon Tum) nên chỉ nói chuyện với tư cách cá nhân thôi. "Chi nhánh Cty giải thể, công nợ đã bàn giao lại Cty CP Sông Đà 19 có trụ sở ở Hà Nội. Họ có nhiệm vụ trả nợ cho ông Báo chứ tôi không có trách nhiệm nữa", ông Châu Hà Nhân nói. Theo ông, hợp đồng thi công giữa CN SĐ19 ĐN với chủ đầu tư thủy điện Đăkmi 2 là 20 tỷ đồng. CN SĐ19 ĐN chỉ nhận được hơn 4,5 tỷ đồng tạm ứng và giải quyết cho ông Báo ứng 150 triệu đồng. Đang thi công dở đường dẫn vào thủy điện thì phát hiện chủ đầu tư thiếu vốn nên ông không cho làm tiếp...

Chúng tôi dẫn lời ông Báo cho rằng "Công trình đường dẫn làm tới đâu là chuyện của nhà thầu chính, còn Cty HT đã hoàn thành hạng mục cống hộp đúng yêu cầu, đảm bảo chất lượng thì phải được thanh toán tiền" thì ông Nhân giải thích: "Hợp đồng kinh tế có ghi khi nào chủ đầu tư thanh toán hết tiền thì tôi mới có cơ sở để thanh toán khối lượng cho ông Báo. Giờ họ còn nợ chúng tôi thì tôi không có tiền để trả cho nhà thầu phụ".

Thực hiện đúng hợp đồng kinh tế giao nhận khoán xây lắp nhưng đến nay
phía Cty CP Sông Đà 19 chưa thanh toán số nợ hơn 400 triệu đồng giá trị xây lắp công trình.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Tạ Ngọc Bích, Kế toán trưởng, đại diện Cty CP Năng lượng Agrita Quảng Nam cho biết: "Chúng tôi đã cho CN SĐ19 ĐN tạm ứng 4,5 tỷ đồng nhưng đơn vị này chỉ làm khoảng 4 tỷ đồng, nghĩa là khối lượng chưa đủ so với tiền tạm ứng. Dù đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Cty này tới làm nghiệm thu nhưng họ không tới, vì sợ phải hoàn lại khoản dư đã ứng trước. Theo lý CN SĐ19 ĐN còn nợ chúng tôi, còn chuyện họ nợ Cty HT là một câu chuyện khác, không liên quan gì đến chúng tôi".

Được biết, hơn 1 tuần qua, ông Trần Đình Báo nhiều lần từ Quảng Trị vào Đà Nẵng để tìm gặp ông Châu Hà Nhân và hoàn thiện hồ sơ nhờ cơ quan CA làm rõ vụ việc. "Hạng mục do Cty chúng tôi được cả chủ đầu tư cũng như nhà thầu chính nghiệm thu, đánh giá kết quả tốt. Hơn nữa nó đã được sử dụng mấy năm nay nhưng chúng tôi không được thanh toán tiền là vô lý. Lần này nếu giải quyết không được, tôi sẽ nhờ cơ quan CA can thiệp vì rõ ràng họ có dấu hiệu quỵt nợ, chiếm dụng vốn", ông Báo trình bày.

Bài, ảnh: Công Khanh