"Kho sử sống" về Bác Hồ
Xuất phát từ sự tôn kính và lòng ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Khai (85 tuổi), làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, H. Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã gần như dành cả cuộc đời sưu tầm những bài báo, tư liệu, hình ảnh về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ.
Ông Trần Hồng Khai (trái) trò chuyện với một bậc cao niên trong làng |
Ông Hồng Khai được người dân làng Đại An Khê ví như cuốn "Bách khoa toàn thư". Mặc dù đã ở tuổi "gần đất xa trời" nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, tiếp nối 3 người anh, khi chưa đủ 16 tuổi, cậu bé Nguyễn Hồng Khai đã trốn làng tình nguyện tham gia vào đội giao liên. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc rồi được cử đi học bổ túc văn hóa. Sau khi hoàn thành chương trình cấp 3, ông chuyển sang học tại trường Đại học Giao thông rồi về công tác ở Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Trải qua nhiều vị trí công tác, cuối năm 1989, ông nghỉ hưu, về quê sống một mình.
Với đồng lương hưu ít ỏi cùng chiếc xe đạp cũ kỹ, ông có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố để sưu tầm tư liệu và hình ảnh về Bác Hồ. Cần mẫn như chim xây tổ, kiến tha mồi, đến nay ông đã sưu tầm được hơn 2.000 hình ảnh, bài báo và tư liệu về cuộc đời và quá trình hoạt động của Bác Hồ. Ông phân chia thành 11 tập khác nhau, tùy theo từng giai đoạn như: Bác Hồ tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở lại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta... Nhìn tủ sách chứa hàng ngàn bức ảnh, bài báo về Bác, chúng tôi không khỏi khâm phục sự kiên trì, nhẫn nại của ông. Biết được niềm đam mê đặc biệt của ông nên người dân trong làng Đại An Khê thường tặng ông sách, bài báo có liên quan viết về Bác Hồ. Ông chia sẻ: Với tôi sưu tầm tư liệu và hình ảnh về Bác chính là mục tiêu sống, đó cũng là nhiệm vụ lớn nhất trong cả cuộc đời mà tôi tự giao cho mình. Đối với tôi cho dù có bao nhiêu tư liệu vẫn chưa thể phản ánh hết được những chặng đường mà Bác đã đi qua, những hoạt động và cống hiến của Người đối với dân tộc. Là một người Việt Nam tôi thấy mình cần có ý thức giữ gìn cũng như học tập và làm theo Bác.
Niềm vui và sự tự hào về Bác toát lên trong đôi mắt rực sáng của ông Hồng Khai. Trong chiếc tủ gỗ đã phai màu vì năm tháng, những bài báo, tài liệu đã ố vàng, những bức ảnh trắng đen về Bác Hồ được cắt lại theo trật tự biên niên, đồng thời ghi rõ chú thích thời gian, địa điểm và hoạt động của Người. Những câu chuyện nhỏ của người lái xe, anh chiến sỹ, người công nhân hay anh chăn bò được gặp Bác Hồ chứa chan tình người được cất giữ trong cuốn album dày cả gang tay. Dù thời gian đã lâu nhưng ông vẫn có thể kể hết quá trình và cơ duyên sưu tầm được từng bức ảnh hay tư liệu liên quan đến Bác một cách rành mạch.
Không dừng lại ở việc sưu tầm, trong suốt 6 năm từ 2006 - 2012, ông Hồng Khai còn biên soạn tập bút ký lịch sử với tựa đề "Theo chân Bác Hồ" bằng tay, trên giấy A4 với 340 trang, gồm 10 chương. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia hàng chục tác phẩm khác nhau và giành được giải cao ở các cuộc thi như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc thi tìm hiểu về mối quan hệ Việt - Lào, cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và thân thế Tổng Bí thư Lê Duẩn... Bên cạnh việc sưu tầm tư liệu về Bác, với niềm đam mê lịch sử và thơ, ông còn lưu giữ rất nhiều tư liệu về quá trình hình thành các làng, lịch sử tỉnh Quảng Trị và nhiều tác phẩm ca dao, dân ca của địa phương. Trong đó, có nhiều tư liệu được xem là có một không hai. Hiện nay, từ nguồn tài liệu quý của mình, ông đã cung cấp rất nhiều thông tin có ích cho các ngành chức năng trong tỉnh khi biên soạn các tác phẩm về lịch sử. Trong những năm qua, ngôi nhà nhỏ của ông trở thành điểm đến của nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên và sinh viên các trường đại học. Đến nay, dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng không vì thế mà ông dừng lại, đối với ông sống là phải cống hiến, phải có ích cho đời.
THANH THỦY