Khổ vì khói, bụi xi-măng

Thứ sáu, 23/08/2013 13:14

(Cadn.com.vn) - Đã nhiều năm qua, gần 300 hộ dân tại các tổ 23, 24, 25, 26, 59, 74, P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) phải sống trong môi trường ô nhiễm vì khói, bụi thải ra từ 2 nhà máy xi-măng (NMXM) Vicem Hải Vân và Ngũ Hành Sơn. Trước tình trạng này, nhân dân và chính quyền địa phương liên tục kiến nghị đến các cơ quan chức năng song sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trung tuần tháng 8-2013, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã trực tiếp chứng kiến những gì đã và đang xảy ra mới cảm nhận hết nỗi khổ của người dân nơi đây.

Ngày 19-8, chúng tôi có mặt tại khu vực các tổ 23, 24, 25... (P. Hòa Hiệp Bắc) để ghi nhận thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư xung quanh 2 NMXM nêu trên. Con đường bê-tông (đường Nguyễn Phước Chu) dài chừng 500m từ QL1A vào phân xưởng 2, NMXM Vicem Hải Vân chốc chốc lại rung lên và tung bụi mù vì từng đoàn xe tải trọng lớn vào bốc hàng. Mặt đường bị bong ra từng mảng, nhiều đoạn bị lún, nứt tạo nên ổ gà, ổ trâu rất nguy hiểm người tham gia giao thông.

Ông Thái Thanh Hùng (trú số 14-Nguyễn Phước Chu) cho biết: người dân sống tại đây chịu “hết nổi” vì tình trạng ô nhiễm khói bụi xi-măng và tiếng ồn. Ban ngày là tiếng ồn và bụi do những chuyến xe gây ra, còn ban đêm là khói bụi từ việc nghiền clinker gây ra. Khoảng 9 giờ, khi đến khu dân cư sát với phân xưởng 2 chứng kiến cảnh khói bụi từ ống khói bay lên mù mịt làm cho bầu không khí ở đây nặng nề, khó thở. Ông Nguyễn Thành (trú 37/19-Nguyễn Phước Chu) cho biết: rất ít người sống ở đây có mặt tại nhà vào ban ngày, còn nhà cửa đều đóng kín mít để “trốn” bụi bởi chỉ khoảng 30 phút là bụi đã đóng lớp dày. Không riêng gì ông Thành, nhiều người dân sống trong khu vực tỏ ra rất bức xúc trước thực trạng môi trường bị ô nhiễm nặng do khói, bụi từ 2 NMXM Vicem Hải Vân và Ngũ Hành Sơn thải ra môi trường.

 Mặc dù có tưới nước mặt đường nhưng tình trạng ô nhiễm bụi trên đường Nguyễn Phước Chu vẫn không cải thiện nhiều.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trương Việt- quyền Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc, nói: “Tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi xi-măng diễn ra đã nhiều năm. Nhân dân và chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng song vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt, NMXM Ngũ Hành Sơn sản xuất với công nghệ lạc hậu nên gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cụ thể, người dân sống trong khu vực này thường mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, mắt...”. Theo đánh giá của UBND phường, hai NMXM Vicem Hải Vân, Ngũ Hành Sơn là điểm nóng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Thế nhưng khi trao đổi với lãnh đạo của 2 NMXM trên, chúng tôi lại nhận được câu trả lời hết sức bất ngờ. Ông Đặng Ngọc Bảo- Phó Tổng Giám đốc Cty CP Vicem Hải Vân, cho biết: Cty Vicem Hải Vân có 2 phân xưởng chuyên nghiền clinker và đóng bao với công suất 600.000 tấn/năm, hoạt động 3 ca. Mỗi ngày, Cty chỉ xuất hàng từ 7-22 giờ, riêng ca 3 mới tiến hành nghiền clinker. Trước đây, do gây ô nhiễm môi trường nên năm 2012, Cty đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng hệ thống lọc bụi, trang bị xe tưới nước, xe hút bụi và trồng cây xanh để giảm thải khí bụi ra môi trường. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện tại các thông số kỹ thuật về khói bụi, nguồn nước thải của NMXM Vicem Hải Vân đều thấp so với quy định của Việt Nam. Còn ông Nguyễn Tấn Hữu- Phó Giám đốc Cty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn, cho biết: Nhà máy có công suất 60.000 tấn/ năm, nhà máy hoạt động từ 6-22 giờ. Hiện tại, nhà máy đã đầu tư hệ thống phun sương để hạn chế mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đánh giá định kỳ của cơ quan chức năng, các thông số về môi trường của NMXM Ngũ Hành Sơn đều đạt các tiêu chuẩn cho phép. (?)

Song, với những gì chúng tôi đã chứng kiến cho thấy môi trường sống tại 6 tổ dân phố thuộc P. Hòa Hiệp Bắc bị ô nhiễm nặng, kéo dài trong nhiều năm qua và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Theo chúng tôi, để giải quyết dứt điểm vụ việc trên, các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng cần sớm xác định rõ mức độ gây ô nhiễm môi trường của hai NMXM trên cũng như các tác hại đến sức khỏe người dân địa phương. Có như vậy mới đảm bảo cho người dân nơi đây có một môi trường sống trong lành, đồng thời giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: M.T