Khổ vì xe ben
(Cadn.com.vn) - Nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng đang phải gồng mình cõng xe ben chở vật liệu đi san lấp các công trình, dự án. Xe ben đi qua không chỉ để lại bụi đất mịt mờ là nỗi ám ảnh với những người dân sống ven đường mà còn để lại nỗi bất an với người tham gia giao thông. Không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây, số lần người dân tràn ra đường chặn xe ben ngày một tăng.
Vì sao quá tải?
Tuyến đường từ thôn Thạch Nham Đông nối ra đường 14B mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt xe ben chở đất, đá qua lại. Tại các mỏ đất, đá khu vực này có khoảng 20 DN vận tải, mỗi DN khoảng trên dưới 20 đầu xe, nếu tính mỗi xe chạy 7-9 chuyến ngày sẽ hình dung được sức nặng mà tuyến đường phải gồng gánh mỗi ngày. Còn nếu tính tuyến đường 14B đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm lên ngã ba đường tránh Nam Hải Vân thì không đếm xuể bao nhiêu ngàn lượt xe ben quần thảo mỗi ngày.
Xe ben đi qua để lại bụi mịt mờ, nỗi ám ảnh của người đi đường. |
Để hiểu rõ hơn về “nỗi khổ” mà các tuyến đường phải oằn mình gánh chịu mỗi ngày, P.V đã tiếp cận với M., đại diện một DN vận tải trên tuyến đường này đang san lấp mặt bằng cho dự án khu đô thị nam cầu Nguyễn Tri Phương và đường cao tốc tại xã Hòa Tiến. Theo M., một khối đất từ Thạch Nham Đông về nam cầu Nguyễn Tri Phương (12km) được trả 40 ngàn đồng, về Hòa Tiến (18km) được trả 75 ngàn đồng. Theo qui định, tổng trọng tải 1 xe chở đất được cho phép là 25 tấn. Một xe hiệu Dongfeng 15 tấn, nếu chở ngang mặt thùng sẽ là 22 tấn đất, như vậy cộng lại kiểu gì cũng quá tải. M. nói, đã kiểm định cho phép xe có thùng chở được 19 khối (22 tấn), nhưng lại qui định tổng cộng cả xe và hàng tối đa 25 tấn như vậy là bất hợp lý. Cũng theo M., DN vận tải nào chẳng muốn chở đúng tải như thế sẽ đỡ khấu hao xe, đỡ tốn dầu, nhưng bù lại giá mỗi mét khối đất phải tăng lên mới bù chi được. Nghịch lý là nhà thầu đã khống chế mức giá đó, thành thử muốn có lời, DN phải vượt tải. Hơn nữa một năm chỉ làm được mấy tháng mùa nắng, chi phí đầu tư cho mỗi xe lại quá lớn, thành thử DN phải ép các tài xế “đua” càng được nhiều chuyến, chở nhiều đất càng tốt.
Theo Phòng CSGT CATP Đà Nẵng, trong 8 tháng qua tại TP đã có 224 xe ben mới được đăng ký. Ngoài ra, số lượng xe ben đăng ký từ nơi khác chuyển đến không thống kê được. Đại tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT cho biết, thực tế không có một báo cáo cụ thể nào đánh giá tác động của xe ben với hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trọng tải của xe ben thì vẫn phải kiểm soát theo qui định thông qua trạm cân lưu động. Tổng cộng trong 7 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 380 trường hợp quá tải, trong đó tổ cân xử lý hơn 270 trường hợp. Riêng xe ben có gần 1.300 trường hợp vị phạm, trong đó lỗi nhiều nhất là chạy quá tốc độ, tự ý thay đổi kích thước thùng xe, để đất đá rơi vãi...
Chị Bé mang ghế nhựa chặn đường xe ben. |
Ám ảnh “hung thần”
Không chỉ người dân dọc các tuyến đường có lượng xe ben hùng hậu quần qua mỗi ngày phải gánh hệ lụy từ bụi bặm mà bất kể người dân nào tham gia giao thông trên tuyến đường cũng cảm thấy bất an. Đại tá Lê Ngọc cho biết, từ đầu năm tới nay có 4 vụ tai nạn liên quan tới xe ben thì cả 4 vụ đều làm chết người. Đơn cử ngày 1-7 vừa qua đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng trên tuyến đường DT601 thuộc địa phận Hòa Vang khiến một người dân chết tại chỗ. Ngay hôm sau, tại ngã ba CMT8- Nguyễn Phước Tần địa bàn Q.Cẩm Lệ tiếp tục xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng liên quan tới xe ben, hậu quả là tài xế lái xe con chết ngay tại chỗ. Ngoài ra, nếu tính tai nạn liên quan đến xe ben những năm trước rất lớn, nhiều vụ dẫn tới chết người. Đến nỗi xe ben trở thành nỗi ám ảnh với người dân và được gọi với cái tên “hung thần”.
Những con đường bị hư hỏng bởi xe ben. |
Không phải ngẫu nhiên mà cứ một thời gian ngắn tại Đà Nẵng lại xuất hiện vụ việc người dân lao ra đường chặn xe ben. Từ Hòa Vang tới Liên Chiểu, nơi có những đoàn xe chở đất đá rầm rập qua lại mỗi ngày khiến người dân sống hai bên đường chịu không nổi phải làm cái việc bất đắc dĩ là mang đồ đạc ngáng đường, chặn xe. Mới đây nhất, hôm 9-8, người dân ven QL14G đoạn qua xã Hòa Phong chịu không nổi cảnh tra tấn bởi cơn lốc bụi bặm do hàng trăm lượt xe ben qua lại mỗi ngày đã phải lao ra đường chặn xe, yêu cầu các DN phải tưới nước như cam kết. Việc chặn đường xe chỉ là tình thế bất đắc dĩ, bởi sau đó DN vẫn cứ chở đất đá qua lại bình thường, rồi mọi việc đâu lại vào đó. Nhưng người dân biết làm gì bây giờ? Chị Đặng Thị Bé, thôn Phước Thuận xã Hòa Nhơn nói, xe ben nó chạy như ăn cướp cả ngày đêm qua con đường độc đạo của thôn. Có bữa trưa gió quá, chị Bé mang thang ra chắn đường cũng chỉ muốn xe ben “nghỉ trưa” như cam kết để gia đình chị được ăn bữa cơm ngon lành. Ấy vậy mà lái xe ben cán gãy luôn chiếc thang. Bực quá, chị Bé tiếp tục mang ghế nhựa ra rải ngang đường, bắt xe ben dừng lại để... đền cái thang. Bà Hồng Thị Lý-Phó thôn Thạch Nham Đông kể: “Con tôi đi làm xuống phố bị người ta quở miết, bảo bây giờ nông thôn mới đường bê-tông vào tận nhà, làm gì mà xe cộ cứ tha đất cát vào Cty. Quả thực rất khó giải thích để người ta tin”. Thực tế là những chuyến xe ben qua đi nhả bụi mịt mờ, người cảnh vật đều chìm trong bụi. Còn nếu tưới nước thì con đường cũng nhầy nhụa, lấm lem, cũng khổ.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch xã Hòa Nhơn cũng nhìn nhận, tình trạng xe ben vận chuyển đất để rơi vãi, bụi bặm rất đáng lo. Đặc biệt vào cao điểm của công trình, xe chạy đua rất nguy hiểm. Còn Đại tá Lê Ngọc thì nói, thực trạng xe ben gây tai nạn, gây bụi bặm đã giảm so với trước. Một phần vì hằng năm lực lượng CSGT mở chuyên đề riêng tổng kiểm tra, kiểm soát xe ben. Phần khác là các DN vận tải có xe ben được CSGT, CAH Hòa Vang tổ chức gặp mặt, ký cam kết với 9 nội dung thiết thực như có bạt che chắn không để rơi vãi, không chạy quá tốc độ, không chở quá tải...
Hải Hậu