Khó xử tội phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm?

Thứ hai, 23/12/2013 11:26

Không xác định lỗi của ai?

(Cadn.com.vn) - Những năm qua, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VSATTP trên nhiều địa phương cả nước diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng và gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM tình hình vi phạm ATVSTP càng diễn ra nhiều vụ nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ 15 người bị ngộ độc, trong đó có 6 người đã tử vong do uống rượu nếp 29 Hà Nội có nồng độ Methanol cao hơn 2.000 lần ở mức cho phép.

Sau khi bị bắt khẩn cấp, bước đầu ông Nguyễn Duy Vường (46 tuổi), giám đốc công ty rượu nếp 29 Hà Nội đã khai nhận tại cơ quan điều tra về nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do đã không kiểm soát quá trình nhập cồn vào để pha chế rượu dẫn đến nhập "nhầm" cồn công nghiệp thay vì nhập cồn thực phẩm. Mấy tuần qua, cái tên "rượu nếp 29 Hà Nội" thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt là "dân nhậu". Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý, kiểm định chất lượng thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng...

Sau vụ "rượu nếp 29 Hà Nội", mới đây, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức Hội thảo thực trạng thi hành pháp luật ATTP và vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đảm bảo thi hành.

Theo nhận định của các đại biểu tại Hội thảo, hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP rất rộng, đa dạng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều khâu trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ trên tất cả các lĩnh vực như: Sản xuất, kinh doanh rau củ quả; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sữa, bánh kẹo...

Các ý kiến cũng cho biết, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực ATTP đến nay đã tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, bất cập là hiện nay, việc quản lý VSATTP được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Mỗi cơ quan chỉ nhận trách nhiệm về phạm vi quản lý được giao mà chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, cung cấp đến tay người tiêu dùng. Do đó khi xảy ra tình trạng mất ATTP thì không có cơ quan Nhà nước nào đứng ra chịu trách nhiệm đến tận cùng của vấn đề, thường xảy ra tình trạng né tránh trách nhiệm.

Một đại biểu khác cho rằng, việc xác định hậu quả thiệt hại xảy ra đối với tội phạm này và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra để xử lý hình sự tội phạm này là không khả thi.

Vị này phân tích, thực tế, chỉ cần hành vi vi phạm các quy định của luật hình sự về ATTP là đã đe dọa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng, không cần phải đợi đến khi hậu quả xảy ra mới xử lý tội phạm. Những trường hợp nhẹ thì nạn nhân chỉ nhận biết được những hậu quả thiệt hại nhỏ như ngộ độc thực phẩm, đau bụng, suy nhược cơ thể... còn những hậu quả "nghiêm trọng" như việc sử dụng thực phẩm có chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng độc hại nhiều lần sẽ tích lũy trong cơ thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm cho tính mạng con người như ung thư, suy thận, sinh lý... thì không phải trong mọi trường hợp đều có thể phát hiện ra ngay hoặc đều có thể nhận biết được mà phải trải qua thời gian rất dài.

Vì thế, dấu hiệu "biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn" trong mặt chủ quan của tội phạm được quy định tại Điều 244 rất khó để xác định. Đến nay, chưa có một VBQPPL nào hướng dẫn căn cứ vào cơ sở nào để xác định người "chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn".

Tuy Điều 244 Bộ luật Hình sự có quy định về tội vi phạm các quy định về VSATTP nhưng đến nay hầu hết nhiều địa phương chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự theo tội danh này.

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng thực phẩm, bánh kẹo tại các chợ dịp trước tết để phát hiện
vi phạm VSATTP.

Phạt không chưa đủ?

Nếu chiếu theo mức theo nghị định mới nhất của Chính phủ về hành vi sử dụng loại có chứa chất độc trong chế biến thực phẩm trên mức phạt sẽ là 70 - 100 triệu đồng. Mức phạt đối với việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép cũng lên tới 30 - 40 triệu đồng, là mức phạt đã được nâng lên so với quy định cũ.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, mức xử phạt theo nghị định mới này đủ sức răn đe. Mức phạt tiền của tổ chức được quy định gấp đôi cá nhân đối với cùng một hành vi vi phạm. Nếu mức phạt tối đa không đảm bảo thì căn cứ theo luật ATTP có thể xử phạt gấp bảy lần giá trị của hàng hóa đó.

Tuy nhiên, lực lượng thanh tra chuyên ngành giám sát lĩnh vực VSTP còn quá nhiều việc không thể một lúc kiểm tra được hết. Nghị định mới cũng bổ sung thêm quyền lập biên bản xử phạt cho lực lượng công chức, viên chức thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương. Biên bản sau khi lập được chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử lý theo quy định.

Phía cơ quan chức năng chỉ có quyền phạt theo quy định nhưng liệu sau khi tăng mức phạt người dân có được dùng thực phẩm sạch hay cần một biện pháp mạnh hơn? Số người bị chết vì ngộ độc thực phẩm nói chung chắc chắn sẽ không dừng lại nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ. Bao năm qua, số vụ ngộ độc thực phẩm gia tăng, vấn đề ATVSTP luôn ở mức "báo động đỏ" mà ít thấy cải thiện. Cuối cùng, người ta, kể cả những người làm công tác quản lý, lại tặc lưỡi "Do cơ chế"...

K.N