Khóa họp lần thứ IV Ủy ban Hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Lào

Thứ hai, 26/06/2017 07:59

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-6 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã diễn ra khóa họp lần thứ IV Ủy ban Hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Lào, nhằm đánh giá tình hình hợp tác khoa học và công nghệ trong những năm qua, đồng thời thỏa thuận Chương trình hợp tác mới cho giai đoạn 2017 – 2019 để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ của hai nước. Dự khóa họp có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lào Boviengkham Vongdara và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh.

Tại khóa họp, hai bên đã thống nhất các hướng ưu tiên hợp tác giai đoạn 2017 – 2019, tập trung vào các nội dung: Triển khai hỗ trợ Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Lào, phương pháp và kinh nghiệm xây dựng văn bản pháp quy phục vụ hoạt động Quỹ; Việt Nam hỗ trợ Lào hoàn thiện hạ tầng pháp quy và nâng cao năng lực kỹ thuật an toàn bức xạ; hỗ trợ trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực thông tin và thống kê cho cán bộ khoa học và công nghệ của Lào; triển khai hoạt động xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa các địa phương hai nước; hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Hai bên cũng đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia Việt Nam và Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Lào; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Việt Nam và Vụ Công nghệ và Đổi mới Lào.

 Trước đó, ngày 24-6 tại thành phố Vinh, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức lễ khai trương Điểm kết nối cung – cầu công nghệ vùng Bắc Trung Bộ. Đây là một giải pháp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển hệ thống các điểm kết nối cung – cầu công nghệ trong hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, công bố, trình diễn giới thiệu công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Điểm kết nối cung - cầu Công nghệ vùng Bắc Trung Bộ đi vào hoạt động quy tụ các quy trình, công nghệ, kết quả sản phẩm liên quan đến những sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, các sản phẩm có nguồn gốc nội sinh phục vụ sự phát triển dân sinh, kinh tế xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và các địa bàn lân cận.

P.V