Khoa Mỹ thuật–Trường Cao đẳng Văn hóa –Nghệ thuật TP Đà Nẵng: Nơi chắp cánh ước mơ nghệ thuật!

Thứ ba, 26/12/2017 09:18

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, Đại học Mỹ thuật TPHCM, Đại học chuyên ngành Mỹ thuật Mahasarakham (Thái Lan)-họ trở thành những giảng viên mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) TP Đà Nẵng, góp phần đào tạo hàng ngàn giáo viên mỹ thuật không chỉ cho Đà Nẵng mà còn cho cả miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều nghệ sĩ tự khẳng định chính mình bằng những tác phẩm và các giải thưởng trong các triển lãm mỹ thuật TP, khu vực, toàn quốc, triển lãm về đề tài LLVT và Chiến tranh cách mạng, có nhiều tác phẩm trong các bộ sưu tập mỹ thuật của các Bảo tàng Mỹ thuật và sưu tập cá nhân  trong và ngoài nước...

Tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ là giảng viên mỹ thuật Trường Cao đẳng VHNT TP Đà Nẵng.

Cuối đông, những cơn gió mang theo cái lạnh từ phương Bắc ùa về, tôi cùng những học trò ghé thăm trường cũ: Trường Cao đẳng VHNT TP Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (tháng 12-1977 – 12-2017). Tôi say sưa ngắm nhìn ngôi trường khang trang, những phòng học ngập đầy ánh sáng, khoảng sân thoáng rộng với hàng phượng vĩ lao xao, những tim tím đến nao lòng của hoa hoàng hậu và thả hồn trong rộn ràng lời ca, nhịp nhàng điệu múa, ấm áp sắc màu... Gặp lại họa sĩ Phan Thanh Hải (Trưởng khoa Mỹ thuật), Trần Hữu Dương, Đặng Công Tuấn, Huỳnh Thị Thắng, Huỳnh Thanh Hải, nhà điêu khắc Phan Tiến Dũng, những gương mặt trẻ trung rất thân quen của mỹ thuật Đà Nẵng, dù rất bận rộn với công việc giảng dạy, nhưng họ vẫn dành nhiều thời gian cho lao động và sáng tạo nghệ thuật.

Lắng lại và suy ngẫm trước những tác phẩm của họa sĩ Trần Hữu Dương, tôi  nhận ra điều đáng quý của anh là dù sống và làm việc ở chốn thị thành, phồn hoa, náo nhiệt nhưng luôn đau đáu nỗi nhớ về mẹ, về những miền quê lam lũ, những người nông dân một nắng hai sương. Trong các tác phẩm “Trở gió” (sơn dầu), “Mẹ” (lụa), “Đất Hơ-kroih” (sơn dầu), “Hương cuối mùa”, “Đêm lũ quét”, “Cá” (sơn mài)... chúng ta vẫn không thể quên chân dung của những người mẹ, dù có lúc đặc tả, có lúc thoáng gợi, nhưng vẫn tạo được chiều sâu nội tâm. Sự tìm tòi về kỹ thuật, đường nét, mảng màu, trong những tác phẩm sơn mài truyền thống đã giúp anh tự tin, vượt lên trên con đường lao động nghệ thuật. Một Phan Thanh Hải chịu dấn thân, tìm tòi và khai phá những mảng đề tài có phần gai góc, lại có chút gì thật tâm linh, là sự giãi bày cái cốt lõi sâu thẳm của hồn người trong “Trạng thái tâm lý” (chất liệu tổng hợp), “Phố” (khắc gỗ), “Mơ cổ tích”, “Nghiệp”... Nhưng có lẽ dấu ấn để nhớ đến Phan Thanh Hải vẫn là “Giao mùa” (chất liệu tổng hợp) hay “Vị tướng huyền thoại”(Mixde woodeut) tại triển lãm Quân đội đã gây xúc động tâm hồn bao người lính. Một Đặng Công Tuấn âm thầm và lặng lẽ đắm chìm trong suy tưởng với những tác phẩm mang tính truyền thống và kỳ thực thì không phải ai cũng dám “liều mình, thử sức”, vì tranh sơn mài đòi hỏi sự đầu tư tốn kém. Một tác phẩm sơn mài ra đời, bên cạnh sự kiên nhẫn, cực nhọc khi thể hiện, cần có thời gian để lấp lánh ánh bạc, sự lóe sáng của vàng son. Trong cái gam đỏ, mang tâm hồn ông cha, cái tinh tế của đường nét, gam màu rực như lửa đã làm nên cái duyên trong “Chân dung” (sơn mài), hay “Bình minh trên bãi biển”, “Hội làng Túy Loan” (sơn mài), “Tĩnh vật”, “Vào thu” (in tổng hợp). Còn đối với nhà điêu khắc Phan Tiến Dũng, từ những khối đá vô tri vô giác, anh đã thổi hồn nghệ sĩ để tạo nên những pho tượng mang dáng dấp vô tư, trong sáng, bớt đi phần khắc khoải của những phận người. Vẫn đề tài gần gũi như tình yêu nhưng ở tác phẩm của anh, chúng ta thường bắt gặp cái nhịp điệu, những mảng bạt thanh thoát, những nét nhấn nhá tạo độ sâu bất ngờ, sự hài hòa của những khối âm dương tạo hiệu quả ánh sáng cho hình khối trong không gian ba chiều qua tác phẩm “Hòa nhập”, “Cung đàn” hay “Vũ điệu”...

Nói đến đội ngũ giảng viên khoa Mỹ thuật của trường, không thể không nhắc đến gương mặt trẻ Huỳnh Thị Thắng. Với những sáng tác mới và mặc dù còn nhiều ngỡ ngàng, cần phải thể nghiệm nhiều hơn, tuy nhiên cái đáng quý ở Huỳnh Thị Thắng vẫn là sự góp mặt với nhiều tác phẩm trên chất liệu mê-ka, thể nghiệm những đề tài thân thuộc, gần gũi với hạnh phúc gia đình và tuổi thơ bằng lối bố cục lạ, những mảng màu tươi thắm mà vẫn hài hòa, tạo nên ấn tượng sâu về thẩm mỹ: “Niềm vui”, “Con trai”, “Hạnh phúc”. Nối tiếp mạch nguồn nghề nghiệp của những thế hệ đi trước, Huỳnh Thanh Hải-một gương mặt quá trẻ về tuổi đời và tuổi nghề cũng đang nỗ lực tìm tòi và thể nghiệm sự sáng tạo của mình qua những tác phẩm.

Tại đây, các họa sĩ đã đưa chúng tôi đến xem triển lãm những bài học nghiên cứu và sáng tác của sinh viên khoa Mỹ thuật-những thầy cô giáo tương lai. Tôi thầm cảm phục những tìm tòi thể hiện, sự đa dạng trong cách biểu đạt và sự phong phú về đề tài của các em. Tôi chợt nhớ lại thời gian qua, có rất nhiều em bậc mầm non, tiểu học đã đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi vẽ tranh của TP Đà Nẵng, cả nước và quốc tế. Những thành công đó của các em, một phần cũng chính là nhờ công lao của các giảng viên là họa sĩ, nhà điêu khắc Trường Cao đẳng VHNT TP Đà Nẵng đã và đang ngày đêm miệt mài giảng dạy, truyền đạt cho các em những kiến thức cơ bản về mỹ thuật, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn và tình cảm, tình yêu đối với mọi người, với quê hương. Chúng ta có quyền tự hào về đội ngũ giáo viên mỹ thuật có kiến thức chuyên môn già dặn và trong số đó đã có nhiều người trưởng thành ở các lĩnh vực giáo dục, sáng tác mỹ thuật, có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật trẻ và khu vực... Đồng hành cùng với vai trò, sứ mệnh và những thành tựu đạt được của khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng VHNT TP Đà Nẵng còn có các  khoa: Âm nhạc, Sân khấu-Múa, khoa Đại cương và Nghiệp vụ văn hóa..., tất cả đã góp phần đào tạo và làm phong phú thêm đời sống VHNT cho người dân thành phố biển thân yêu...

Đứng giữa sân trường đầy cây lá, tôi nghe xôn xao trên những búp tơ non, ấm áp bờ môi, rưng rưng khóe mắt trong sắc vàng hoa mai và phớt hồng của những nụ đào. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng nhắc “đến hẹn lại lên”. Những họa sĩ, nhà điêu khắc, những giáo viên khoa Mỹ thuật của trường sẽ góp mặt trong các triển lãm mỹ thuật với nhiều tác phẩm đầy ngẫu hứng và sáng tạo, có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật để làm đẹp cho đời. Tạm xa mái trường thân yêu lúc hoàng hôn, dù không “Giữ lại trái tim thắp lửa”, không gửi lại “Một nửa vầng trăng” nhưng trong lòng mỗi người bỗng dâng trào cảm xúc bồi hồi xao xuyến khi nghe văng vẳng đâu đây lời hát:

“… Mùa đông em đi qua đây

Ngôi trường nằm nghe biển hát

Điệu múa, sắc màu, nốt nhạc

Chắp cánh ước mơ bay lên”.

LÊ HUY HẠNH