Khoảng trống khoa học công nghệ- "cơn đau đầu" của DN khi vào sân chơi TPP
(Cadn.com.vn) - Khoa học công nghệ (KHCN) chính là bảo kiếm giúp doanh nghiệp (DN) tạo ra sản phẩm có thể “đấu” được với hàng ngoại ngay trên sân nhà khi hội nhập TPP. Nhưng điểm yếu của DN Đà Nẵng hiện nay lại chính ở KHCN. Vậy phải làm gì?
Quá ít DN KHCN
Đà Nẵng có gần 15 ngàn DN nhưng chỉ có 2 DN KHCN. Trong khi đó, vào TPP, chìa khóa cho sự tồn tại chính là KHCN. Bởi sản phẩm làm ra với công nghệ lạc hậu, lệ thuộc, nếu không còn hàng rào thuế quan bảo hộ sẽ khó lòng cạnh tranh nổi với hàng ngoại. Ông Lê Quang Nam- Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết, để được chứng nhận là DN KHCN đòi hỏi nhiều tiêu chí khắt khe, trong đó tiêu chí quan trọng nhất là DN đó phải nghiên cứu khoa học, tạo ra được sản phẩm từ KHCN và sản phẩm ấy phải có tính ứng dụng trong cuộc sống, được thương mại hóa.
Với tiêu chí đó, DN KHCN sẽ thích nghi, bám trụ tốt trong môi trường cạnh tranh phi thuế quan của TPP. Tuy nhiên, Đà Nẵng mới chỉ có được 2 DN KHCN, một con số quá khiêm tốn bởi lẽ họ chưa đáp ứng được các tiêu chí khắt khe nêu trên. Mặt khác, chính sách ưu đãi cho DN KHCN và DN bình thường chưa có nhiều khác biệt dẫn tới nhiều DN chưa mặn mà, chưa sẵn sàng hướng đến DN KHCN.
Ông Võ Duy Khương- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng nói rằng, điểm yếu nhất của DN Việt là không làm nghiên cứu khoa học nên đặc biệt yếu về công nghệ, sản phẩm không cạnh tranh nổi với các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia chứ đừng nói gì đến các nước phát triển trong TPP. Theo ông Khương, hội nhập TPP chỉ là hình thức, bản chất của nó chính là các tiêu chuẩn, hàm lượng khoa học trong sản phẩm, điều đó sẽ quyết định sản phẩm có hòa nhập được không, trụ vững được không. Nếu hàm lượng KHCN thấp thì sản phẩm của DN mình không trụ được trong sân chơi này.
Đã nhiều năm phụ trách mảng DN nên vị Phó Chủ tịch tỏ ra lo ngại khi nói về thực trạng của DN Đà Nẵng hiện nay. Số lượng thì tăng chậm, sức cạnh tranh lại rất yếu. Muốn sản phẩm cạnh tranh được phải chuyển đổi công nghệ, nhưng đây lại là bài toán quá khó mà chưa tìm ra hướng nào cả. Cả Đà Nẵng mới chỉ có 1 DN nội là Danapha nghĩ tới việc đầu tư vào khu Công nghệ cao (CNC) để chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong TPP, như vậy là quá ít.
Đà Nẵng mới chỉ có Danapha tính chuyện vào khu CNC, và đầu tư bài bản cho KHCN làm vũ khí tạo lợi thế cạnh tranh khi hội nhập TPP. (Trong ảnh: Công nghệ sản xuất thuốc hiện đại của Danapha). |
Đâu là hướng tồn tại?
Ông Khương nói thẳng, trong 2 DN KHCN của Đà Nẵng thực chất chỉ có Danapha là đầu tư cho KHCN bài bản, có chiến lược, xem như là thế mạnh để cạnh tranh. DN còn lại là An Sinh Xanh hiện cũng đang rất khó khăn mà chưa biết tìm hướng nào xoay xở. Vậy Danapha có phải là bài học để các DN khác của Đà Nẵng có thể noi theo mà tìm cách tồn tại trong sân chơi TPP?
Ông Phan Hải- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nói, thực chất DN Đà Nẵng quá nhỏ, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, còn lại các DN sản xuất hàng hóa không nhiều. Cụ thể có thể kể đến một vài DN may mặc, sản xuất cao su, xi-măng, thép, đồ gỗ... Còn DN sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm như Danapha thì đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, đối với các DN sản xuất hàng tiêu dùng thì KHCN là vũ khí quyết định sức cạnh tranh và có thể xem Danapha như một bài học.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Danapha, ông Nguyễn Quang Trị nói, bảo hộ trí tuệ là mấu chốt của hiệp định TPP. Trong sân chơi chung đó, buộc DN Việt phải tuân thủ. Có nghĩa là những DN nào làm ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám, công nghệ cao sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Nắm bắt xu hướng đó nên mỗi năm Danapha đầu tư 2 tỷ đồng cho việc nghiên cứu phát triển KHCN. Đặc biệt, Cty đã tiên phong ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất dược phẩm.
Hiện Danapha đang hoàn tất nghiên cứu, chuẩn bị thương mại hóa thuốc tiêm điều trị ung thư dựa trên công nghệ nano, đây là đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước được Chính phủ giao cho Danapha tiến hành. Dự kiến thuốc tiêm này sẽ là bước đột phá trong sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư, mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp cho bệnh nhân. “Cạnh tranh trong TPP là trí tuệ, là công nghệ, với ngành dược thì đòi hỏi này càng bức thiết. Vì vậy chúng tôi không ngừng đầu tư cho KHCN và đang hướng đến các nhóm sản phẩm ung thư khi vào khu CNC. Chỉ vào khu CNC thì các tiêu chuẩn khắt khe của sản phẩm dược mới được áp đặt, mới giàu sức cạnh tranh” – ông Trị nói.
Thực trạng chung của DN hiện nay là yếu, lạc hậu và phụ thuộc về công nghệ. Điều đó khiến sản phẩm tạo ra không thể cạnh tranh nổi trong ASEAN chứ chưa nói đến TPP. Song, việc khắc phục điểm yếu cố hữu này lại là bài toán quá khó. Nói như ông Phan Văn Kha- Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, biết rằng phải chuyển đổi công nghệ, phải đầu tư cho nghiên cứu KHCN trong doanh nghiệp mới có thể tạo ra sản phẩm tồn tại được trong môi trường hội nhập.
Nhưng tiền ở đâu, quản trị thế nào, khi mà DN của mình quá nhỏ, manh mún, thiếu tính liên kết, chưa kể lao động chưa thích ứng với môi trường công nghiệp hiện đại. Thành thử mới có chuyện phía Hàn Quốc sẵn sàng chuyển giao dây chuyền công nghệ cho 30 DN Đà Nẵng, nhưng vận động mãi cả Đà Nẵng chỉ có 2 DN đăng ký sang Hàn Quốc tập huấn tiếp nhận.
Hải Hậu