Khoảng trống sau tấm HCV của Xuân Vinh

Thứ tư, 10/08/2016 10:03

(Cadn.com.vn) - Sau tấm HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, những niềm hy vọng huy chương của thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016 lần lượt rơi rụng. Có một khoảng trống đáng suy ngẫm cho những nhà quản lý thể thao nước nhà!

Thể thao Việt Nam có 23 VĐV tranh tài ở 10 bộ môn tại Olympic Rio 2016. Trước ngày lên đường sang Brazil, Đoàn thể thao Việt Nam đặt ra chỉ tiêu là phấn đấu có huy chương. Trong số 23 gương mặt ưu tú nhất, niềm hy vọng huy chương được đặt lên Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) và Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ). Trong số những niềm hy vọng này thì lực sỹ Thạch Kim Tuấn là gương mặt sáng giá nhất, bởi anh có thành tích tiến triển rất tốt ở hạng cân 56kg nam.

 Điều kỳ diệu đã đến với thể thao Việt Nam khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt tấm HCV lịch sử, đồng thời phá kỷ lục thế vận hội. Thành tích của đại tá Quân đội Hoàng Xuân Vinh đã làm nức lòng người hâm mộ cả nước, mang về niềm tự hào cho Tổ quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc ca Việt Nam được vang lên ở đấu trường Olympic trong phần trao huy chương.

Sau tấm HCV của Xuân Vinh, Đoàn thể thao Việt Nam gần như hết hy vọng huy chương tại Olympic Rio 2016.

Tấm HCV của Xuân Vinh được kỳ vọng là niềm cảm hứng cho những đồng đội của anh thi đấu quyết tâm hơn để mang về tấm huy chương thứ hai cho thể thao Việt Nam. Thế nhưng, lần lượt những niềm hy vọng huy chương của chúng ta đã lần lượt rơi rụng ở những ngày tranh tài sau đó. Nếu như Ánh Viên đã thi đấu đúng với năng lực của mình nhưng khoảng cách về đẳng cấp đã không giúp cô có được suất vào chung kết nội dung 400m hỗn hợp, thì lực sỹ Thạch Kim Tuấn đã gây thất vọng lớn. Tuấn đã thi đấu với tâm lý và phong độ không vững nên thất bại ở nội dung 56kg nam (vốn rất được kỳ vọng). Ở môn thể dục dụng cụ, Phan Thị Hà Thanh cũng thi đấu không thành công. Các VĐV khác ở những môn Judo, đấu kiếm đã ra trận nhưng đều không thành công vì khoảng cách trình độ quá chênh lệch.

Đoàn thể thao Việt Nam vẫn còn những VĐV ở môn điền kinh, cầu lông, cử tạ (hạng cân 85kg), vật, đấu kiếm. Nhưng theo như nhận định ngay từ ban đầu, tất cả những VĐV còn lại như Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), Tuấn Tài (cử tạ), Thành Ngưng, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh)… đều nằm trong diện học hỏi kinh nghiệm tại Olympic Rio. Nghĩa là, rất khó có khả năng bất ngờ xảy ra với các VĐV Việt Nam, sau tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh.

Vì thế, ngay từ bây giờ, giới chuyên gia đã bắt đầu có những phân tích, đánh giá về hiệu quả đầu tư của thể thao thành tích cao Việt Nam. Có thể nói, thể thao Việt Nam đã dần thức tỉnh sau quá nhiều thất bại ở những sân chơi lớn như ASIAD hay Olympic. Chúng ta đã chuyển hướng sang đầu tư trọng điểm thay vì đại trà để hướng đến việc vươn ra biển lớn.

Cụ thể, tháng 3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020. Trong chiến lược này, thể thao thành tích cao đặc biệt được chú trọng. Theo đó, mục tiêu đề ra của chiến lược có đề ra mục tiêu tại Olympic Rio 2016, Việt Nam phấn đấu có khoảng 40 VĐV vượt qua các cuộc thi vòng loại và có HCV. Thực tế thì thể thao Việt Nam đã có tấm HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh, nhưng con số VĐV đến Rio chỉ mới 23 người.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chia sẻ quan điểm, việc chuyển hướng đầu tư cho các môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic đã diễn ra quá chậm. Cụ thể, sau những lần không thành công ở ASIAD 2010 Quảng Châu, ASIAD 2014 Incheon và Olympic London 2012, thể thao Việt Nam đã có những chuyển hướng quan trọng là tập trung đầu tư trọng điểm cho các VĐV ưu tú ở một số môn Olympic gồm khoảng 50 người của 20 môn thể thao. Theo ông Minh, việc thay đổi tư duy đầu tư cho thể thao đỉnh cao khác với nếp cũ đã mang lại những “ánh sáng” hy vọng. Kết quả, thắng lợi của các VĐV Việt Nam ở những môn Olympic chiếm khoảng 88% số lượng huy chương tại SEA Games Singapore 2015. Chúng ta có 23 VĐV vượt qua vòng loại để tới Olympic 2016.

Rõ ràng, tấm HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có thể xem là “ánh sáng hy vọng” của thể thao Việt Nam sau 6 năm chuyển hướng đầu tư. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn là thành tích còn rất khiêm tốn so với sự kỳ vọng.

Quang Hải