Khơi thông dòng chảy logistics
Tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 tổ chức ở Đà Nẵng hôm 23-11, các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều điểm nghẽn trong dòng chảy logistics chưa được khơi thông dẫn tới ngành kinh tế mũi nhọn nông nghiệp đang bị cản trở sức cạnh tranh rất lớn.
Bên lề diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thăm và làm việc với Cảng Đà Nẵng. Ảnh: VĂN THUẤN |
Chi phí logistics quá cao
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói rằng, từ một nước thiếu ăn Việt Nam giờ đã xuất nông sản đi 180 quốc gia, năm 2018 mang về hơn 40 tỷ USD. Nhưng nông sản Việt chủ yếu xuất thô, nặng, ngắn. Vì thô nên phải mang vác nặng (mỗi năm 40-50 triệu tấn) nên không thể đi xa, giá trị không cao. Chủ trương của Việt Nam thời gian tới không tăng sản lượng mà tập trung vào chất lượng. Để nâng cao được chất lượng nông sản ngoài áp dụng mô hình sản xuất mới thì qui trình bảo quản và dịch vụ phân phối lưu thông (logistics) phải cải thiện.
“Tôi ví dụ vụ vải vừa qua thu 5 ngàn tỷ, trong đó logistics chiếm 2 ngàn tỷ, như vậy đây là ngành kinh tế đẻ ra giá trị chứ không phải trung gian. Logistics làm tốt 1kg vải xuất đi Mỹ có thể lên tới 200 ngàn đồng, 300 ngàn đồng, có thể bảo quản tới 6 tháng, như vậy giá trị đã tăng lên rất nhiều”- ông Cường nói. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, năng lực sản xuất nông sản của ta lớn, song vẫn có những vùng thiếu là do điều kiện địa lý, ngành logistics chưa làm tốt vai trò điều hòa. Chi phí cho logistics trong sản phẩm ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước ASEAN. Chẳng hạn 1kg thanh long xuất sang Mỹ 7 USD/kg thì chi phí vận tải trong nước đã chiếm 50% giá xuất khẩu.
Các đại biểu chia sẻ giải pháp phát triển logistics tại diễn đàn. |
Nông sản là ngành đặc thù vì mang tính thời vụ cao, dễ hư hỏng. Do vậy, khâu bảo quản kho bãi phải thực hiện tốt, khâu lưu thông đến người tiêu dùng phải nhanh, có như vậy giá trị nông sản mới cao, không bị tình trạng được mùa rớt giá. Tuy vậy, cả kho bãi và lưu thông (thuộc logistics) lại đang gặp nhiều vướng mắc. Cả nước hiện có 4.000 DN logistics, con số khá khiêm tốn, trong đó hơn 70% DN nhỏ. Số lượng kho bãi cũng khiêm tốn, chủ yếu ở các đô thị lớn, riêng Đồng bằng sông Cửu Long vựa nông nghiệp cả nước nhưng chỉ có 6 kho bãi, dưới 10ha. Cả nước cũng có 83 chợ đầu mối, nhưng chẳng chợ nào có kho bảo quản nông sản. Vì sản xuất theo mùa vụ, dư thừa, phải chuyển đi xa mà không được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn nên giá trị nông sản bị giảm sút nhiều. Cũng phải nói thêm, trong 4.000 DN logistics cả nước thì chỉ có 700 xe lạnh, như vậy số lượng hàng hóa được vận chuyển trong điều kiện tiêu chuẩn rất hạn chế.
Bà Minh Phương, đại diện một DN logistics nói rằng, chỉ số chất lượng hạ tầng đường bộ Việt Nam thấp hơn cả Lào, Campuchia dù qui mô kinh tế lớn hơn nhiều. Trong khi đó, 78% vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam bằng đường bộ. Hiện nay, để xuất nông sản từ ĐBSCL ra thế giới, chi phí, thời gian vận chuyển tới các cảng Cát Lái, Cái Mép rất lớn. Thời gian vận chuyển nông sản đường bộ từ Cần Thơ tới Cát Lái là 5 tiếng, Cần Thơ - Cái Mép là 8 tiếng, trong khi vận chuyển đường thủy từ Cần Thơ - Cát Lái 18 tiếng, Cần Thơ - Cái Mép 36 tiếng. Mỗi container sẽ tốn chi phí từ 7-14 triệu đồng.
Với thực trạng những điểm nghẽn đó không khó hiểu vì sao chi phí logistics ở Việt Nam trên giá sản phẩm thì cao mà đóng góp của ngành logistics vào GDP lại thấp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thăm và làm việc với Cảng Đà Nẵng. |
Khơi thông thế nào?
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, chi phí logistics ở Việt Nam đã giới hạn, cần phải giảm. Để làm được việc này cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hải quan; tăng cường hiệu quả cơ sở hạ tầng và chất lượng kết nối. Cũng theo ông Ousmane Dione, hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm yêu cầu cao hơn về chất lượng, mức độ an toàn, đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam vừa phải cơ giới hóa tăng năng suất, vừa phải có qui trình sản xuất an toàn. Nhưng phần quan trọng hơn để nâng cao chất lượng nông sản chính là logistics. Khi hạ tầng đường sá, phương tiện, kho bãi hiện đại, tiêu chuẩn thì quá trình phân phối nông sản sẽ nhanh hơn, giảm chi phí, chất lượng cũng được đảm bảo. Vấn đề còn lại đang vướng hiện nay là thủ tục hành chính, nhất là thông quan qua cửa khẩu còn hạn chế. Việt Nam cần cải thiện tình trạng này thông qua ứng dụng công nghệ đột phá như công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tự động hóa hoạt động vận chuyển...
Cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đẩy mạnh sử dụng vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy (nhất là với ĐBSCL hệ thống sông ngòi nhiều) là giải pháp được ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương đưa ra. Đặc biệt, ông Hải đề xuất cần thay đổi tư duy làm chợ đầu mối, bắt buộc phải có nơi sơ chế, kho bãi đông lạnh để bảo quản, nâng cao giá trị nông sản. Trong công tác đóng gói, truy xuất nguồn gốc cũng cần thực hiện tốt để hàng không bị ùn ứ ở cửa khẩu. Trong khi đó, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch hiệp hội DN Logistics VN cho biết, trước tiên cần hoàn thiện chuỗi cung ứng lạnh cho nông nghiệp, đảm bảo tỷ lệ lưu trữ lạnh lên tới 35% tất cả hàng hóa. Nhưng nghịch lý đầu tư cho hạ tầng này rất lớn, trong khi DN logistics VN trên 70% là nhỏ. Vì thế ông Hiệp đề xuất cần cơ chế vốn, ưu đãi cho DN logistics.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ chủ trương phát triển logistics gắn với giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Muốn phát triển ngành này cần tạo ra hệ sinh thái từ khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nhân lực, các giải pháp, chính sách... Hiện logistics mới đóng góp 4-5% GDP mục tiêu 2025 lên 8-9%, đồng thời phấn đấu chi phí logistics trong giá thành sản phẩm còn khoảng 16% . Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, việc ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ, ứng dụng CNTT sẽ giúp ngành logistics cất cánh. Chẳng hạn như DN logistics sử dụng nhiều robot thay con người, xe chuyển hàng tự động, thiết bị theo dõi dẫn đường, ứng dụng quyét mã vạch trong kho bãi, giám sát quản lý lao động hàng ngày trong hoạt động, tích hợp hoạt động quản lý đơn hàng trực tuyến, truy xuất nguồn gốc... Tương tự là mô hình kinh tế chia sẻ, làm thế nào để bài toán xếp hàng vào một container thì thừa 2 công thì thiếu, xe công chạy 1 chiều còn lại rỗng được giải quyết triệt để. Logistics là thiên đường cho sự sáng tạo, khởi nghiệp.
HẢI QUỲNH