Khởi tố 2 đối tượng lừa đưa người đi Angola lao động

Thứ ba, 24/12/2013 13:18

(Cadn.com.vn) - Mặc dù chưa được cấp phép đưa lao động sang Angola làm việc, nhưng Nguyễn Duy Tiệp (1985 - Tổng Giám đốc) và Nguyễn Xuân Hậu (1985 - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Xúc tiến thương mại và Hợp tác quốc tế VIPEC chi nhánh Hà Tĩnh) vẫn tìm về các vùng quê nghèo để tuyển người xuất ngoại. Khi cầm được tiền, Tiệp và Hậu đã đưa họ sang Angola theo hình thức visa du lịch mà không ký hợp đồng khiến nhiều người lâm cảnh khốn cùng...

CQĐT đọc lệnh bắt giữ Nguyễn Xuân Hậu.

Sập bẫy...

Vốn làm nghề thợ xây, cuộc sống khó khăn nên anh Nguyễn Quang Tuệ (28 tuổi, trú H. Vũ Quang, Hà Tĩnh) muốn làm thủ tục đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nước ngoài với hy vọng có thể cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của gia đình. Đầu năm 2012, tình cờ anh Tuệ gặp người quen cùng quê là Nguyễn Xuân Hậu - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Xúc tiến thương mại và Hợp tác quốc tế VIPEC chi nhánh Hà Tĩnh. Qua trò chuyện, biết anh Tuệ có nhu cầu XKLĐ, Hậu đã vẽ ra viễn cảnh đầy mơ ước khi đi XKLĐ sang Angola với chi phí rẻ, lương cao. Từ những lời hứa như đinh đóng cột của Hậu rằng khi sang Angola sẽ có việc làm ổn định, anh Tuệ về bàn với gia đình rồi đem sổ đỏ đến ngân hàng cầm cố, bán thêm trâu, bò được tổng số tiền gần 250 triệu đồng. Có tiền, anh Tuệ đưa cho Hậu để làm thủ tục xuất khẩu sang Angola làm lao động phổ thông.

Sau một thời gian chờ đợi làm thủ tục, ngày 14-5-2012, anh Tuệ được xuất cảnh sang Angola. Tuy nhiên, sang đến nơi anh mới ngớ người khi một số nạn nhân là người Việt cũng bị lừa đang lao động ở đây cho biết anh đã bị đưa sang theo diện đi du lịch chứ không có hợp đồng đi lao động nào cả. Cố bám trụ tại Angola hơn một tuần, anh Tuệ được bố trí công việc phụ hồ cho một ông chủ người Việt nhưng với mức lương thấp, ăn uống kham khổ dẫn đến đau ốm triền miên. Lúc này có một số lao động người Việt bị lừa sang đây làm việc đã chết vì cơn đại dịch cúm khiến Tuệ hoang mang lo lắng đến tiều tụy, cuối cùng đành nhờ điện thoại gọi về cho gia đình cầu cứu...

CQĐT bắt giữ Nguyễn Duy Tiệp.

Chân dung 2 "sếp" lừa...

Sau nhiều cuộc điện thoại cho biết tình hình, gia đình anh Tuệ hết sức hoang mang, lo lắng. Biết kẻ lừa đảo đi XKLĐ chui chính là Nguyễn Xuân Hậu nên gia đình anh Tuệ viết đơn tố cáo gửi lên các cơ quan chức năng "kêu cứu". Cùng thời điểm này, CA tỉnh Hà Tĩnh cũng nhận được một số đơn, thư của nhiều người dân khác tố cáo đường dây đưa người đi XKLĐ chui sang Angola làm việc. Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, lãnh đạo CA tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Phòng CSĐTTPVTTQLKT&CV xác minh, lập chuyên án để đấu tranh làm rõ. Sau một thời gian tích cực điều tra, CQĐT đã có đầy đủ chứng cứ về đường dây đưa người đi nước ngoài XKLĐ trái phép này. Ngày 19-12-2013, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Duy Tiệp, Nguyễn Xuân Hậu về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 BLHS.

Theo tài liệu của CQĐT cho thấy, từ tháng 9-2012 đến tháng 4-2013, mặc dù Chi nhánh Cty CP Xúc tiến thương mại và Hợp tác quốc tế VIPEC tại Hà Tĩnh không được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (giữa Chính phủ Việt Nam và Angola chưa ký thỏa thuận hợp tác lao động phổ thông) nhưng Tiệp và Hậu đã dùng danh nghĩa Cty VIPEC để giao nhiệm vụ cho nhân viên của Chi nhánh như: Lái xe, kế toán... tìm người và vận động họ đi XKLĐ ở Angola. Tiệp, Hậu đưa ra mức thưởng là mỗi nhân viên vận động được một người sẽ được thưởng nóng 5 triệu đồng. Ngoài ra, để tìm được nhiều người, Nguyễn Duy Tiệp đã cho lập trang web, cho in tờ rơi quảng cáo. Sau khi có người tìm đến "nhờ sự giúp đỡ" của Cty để được đi XKLĐ, Tiệp và Hậu trực tiếp cùng các nhân viên chi nhánh Cty VIPEC tư vấn, vận động người đi XKLĐ với lời hứa có mức thu nhập lớn như: Đi Angola bằng con đường xuất khẩu lao động chính thống; khi đi sẽ ký hợp đồng lao động; thời gian hợp đồng lao động ở nước ngoài là 3 năm; được gia hạn từng năm một và có thể kéo dài đến 10 năm; có mức lương được hưởng 700 -1.200USD/người/tháng; trong quá trình lao động được chủ sử dụng lao động bao ăn, ở; thời gian làm thủ tục xuất cảnh chậm nhất là 2 tháng...

Tin tưởng lời Tiệp và Hậu, từ tháng 9-2012 đến 4-2013 có 8 lao động đăng ký đi XKLĐ ở Angola qua Cty VIPEC tại Hà Tĩnh với số tiền phải nộp hơn 650 triệu đồng. Các lao động được Tiệp đưa sang Angola bằng con đường bất hợp pháp nên sau một thời gian lang thang ở xứ người, gia đình phải gửi tiền sang để mua vé máy bay về nước. Ngoài anh Tuệ, có thể kể đến các nạn nhân như anh Lê Văn Hùng, Nguyễn Văn Hưng, Lê Văn Phong, Phan Duy Hoàng, Bùi Đức Thành, Nguyễn Văn Hợi...

Hiện CQĐT CA tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục đấu tranh với các đối tượng để hoàn tất hồ sơ, đề nghị truy tố ra trước pháp luật. Tuy nhiên, qua vụ án này, CQĐT cũng khuyến cáo, người dân có nhu cầu đi XKLĐ cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định, đừng để lâm cảnh tiền mất, nợ mang.

V.Tuân