Khốn đốn vì vô cớ bị công ty tài chính “khủng bố” (Bài cuối: Siết chặt quản lý đối với công ty tài chính)

Thứ ba, 24/03/2020 14:50

Thời gian qua, đã có rất nhiều người bị “vạ lây” liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Việc thủ tục đơn giản, dễ dãi trong vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã tạo điều kiện cho nhiều người đánh “bài chuồn”. Lợi dùng điều này, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo.

Các đối tượng đăng thông tin bôi nhọ danh dự trên fanpage của công ty.

“Lỗ hổng” trong hoạt động cho vay tiêu dùng

Để có tiền tiêu xài, một nhóm đối tượng đã câu kết, dùng hộ khẩu, CMND của nhiều người rồi tráo ảnh của các đối tượng để ký hợp đồng mua hàng trả góp nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, Mã Thị Huyền Trang (1985), Nguyễn Sỹ Trung (1995), Nguyễn Thành Sang (1994, cùng trú H. Hòa Vang, Đà Nẵng) và Châu Thị Hạnh (1971, P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) bị TAND Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) tuyên phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Vũ Quang Vinh (1984, trú Ninh Giang, Hải Dương) bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Cụ thể, tháng 6-2015, Trang được Trung hướng dẫn dùng giấy tờ tùy thân để làm hợp đồng vay mua trả góp ĐTDĐ với Cty Home Credit Việt Nam. Tháng 7-2015, Trang tiếp tục dùng CMND và hộ khẩu của mình mua máy điều hòa vay trả góp với Cty HD Saigon.

Thấy thủ tục vay trả góp đơn giản, Trang nảy sinh ý định mạo danh người khác, mượn giấy tờ tùy thân của họ rồi thay ảnh của mình vào để mua hàng vay trả góp rồi bán lại. Từ tháng 8-2015 đến 10-2015, Trang nhiều lần dùng giấy tờ mạo danh để mua hàng vay trả góp, chiếm đoạt tài sản. Hạnh cũng tham gia và khai thêm 2 số điện thoại tham chiếu mà Trang và Trung đã chuẩn bị sẵn. Phần về Trung, khi Cty Thịnh Vượng gọi vào những số máy mà Hạnh cung cấp để kiểm tra, Trung mạo danh người thân trả lời và hợp đồng được duyệt...

Với phương thức, thủ đoạn tượng tự, nhóm của Trang đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo; trong đó, Trang thực hiện 9 vụ, chiếm đoạt gần 85 triệu đồng, Trung thực hiện và giúp sức để đồng bọn thực hiện hành vi để chiếm đoạt gần 61 triệu đồng. Trong vụ án này, Sang và Trang thực hiện 4 vụ, chiếm đoạt gần 39 triệu đồng. Sang và Trang, Hạnh mạo danh người thân của nhiều người trả lời điện thoại tham chiếu của Cty Thịnh Vượng để từ đó giúp sức cho đồng bọn chiếm đoạt tài sản. Vũ Quang Vinh là thợ ép dẻo, không biết việc Trang, Trung và Sang lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng lại biết rõ việc thay đổi ảnh là vi phạm pháp luật, song vẫn có 20 lần thay đổi ảnh trong CMND, GPLX của người khác và được trả công mỗi lần 10 ngàn đồng...

Cũng với hành vi như nhóm lừa trên, Nguyễn Thị Lệ Thủy (1972, trú P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) thấy thủ tục mua hàng trả góp đơn giản nên lên kế hoạch lừa đảo. Để thực hiện kế hoạch lừa đảo của mình, Thủy chọn những người có khuôn mặt hao hao giống mình, mượn CMND được cấp cách đó nhiều năm nhằm mục đích qua mặt nhân viên khi kiểm tra ảnh thẻ. Với chiêu trò lừa đảo này, từ tháng 6 đến 7-2014, Thủy đã thực hiện 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của Cty Home Credit Việt Nam gần 12 triệu đồng. Sự việc cũng như số tiền Thủy lừa đảo sẽ không dừng lại nếu các nạn nhân của Thủy không bị nhân viên đến nhà đòi nợ.

Nhiều người cho biết cùng cảnh ngộ bị “khủng bố” đòi nợ vô cớ.

Không đòi nợ đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ

Qua tìm hiểu, tháng 11-2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau: Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 (năm) lần/1 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Với quy định này, khách hàng sẽ không bị nhắc nợ, đòi nợ “kiểu khủng bố” như thời gian qua, nhất là với những người thân, bạn bè của người vay.Tại thông tư này, Ngân hàng Nhà nước siết lại các lỗ hổng trong hoạt động cho vay và đòi nợ thời gian qua của các công ty tài chính. Nếu công ty tài chính bán nợ cho bên thứ ba thì trong hợp đồng mua bán nợ phải có cam kết của bên thứ ba về việc thực hiện các quy định đã thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng cho vay tiêu dùng. Hy vọng, với việc quản lý chặt hoạt động cho vay tiêu dùng, người dân sẽ đỡ khốn đốn khi vô cớ bị đòi những khoản nợ từ trên trời rơi xuống.

MAI VINH