Khốn khổ vì trang trại heo

Thứ bảy, 17/12/2016 14:32

(Cadn.com.vn) - Dù đã “gõ cửa” nhiều nơi nhưng người dân thôn 6-7, xã Ea Tiêu (H.Cư Kuin, Đắc Lắc) mấy năm nay vẫn phải sống chung với mùi hôi thối, ruồi nhặng do nước thải từ các trang trại chăn nuôi tại xã giáp ranh xả vô tội vạ ra môi trường. Trẻ em và người già sống tại khu vực này thường xuyên bị bệnh về đường tiêu hóa, đau mắt...,  cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Người dân khốn khổ bởi tình trạng ô nhiễm do trại heo ông Tuấn gây ra.

“Giặc ruồi” tấn công

Nhiều năm nay, cứ sáng sớm, các hộ dân thôn 6, 7 lại chuẩn bị tờ keo dính ruồi đặt khắp mọi ngõ ngách trong nhà mình. Bà Võ Thị Gái (trú thôn 7) phân trần: “Trước đây, không khí nơi đây rất trong lành, nguồn nước suối cũng rất mát và sạch. Tuy nhiên, từ ngày các trang trại heo ở thôn 4 và thôn 5 (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) bên kia suối giáp ranh với hai thôn 6 và 7 xuất hiện đã phá vỡ tất cả môi trường sống trong sạch của chúng tôi. Vào mùa khô, gió thổi mang theo mùi hôi thối nước thải từ các trang trại heo khiến chúng tôi sống dở, chết dở. Nhiều nhà tối ngày phải đóng cửa kín mít. Mùa mưa đến, chúng tôi lại lao đao với “cuộc chiến” diệt ruồi. Mỗi ngày, gia đình tôi phải chuẩn bị gần chục tờ keo để bẫy  ruồi nhưng phương pháp thủ công này cũng chẳng thấm vào đâu trước sự xuất hiện ồ ạt của “giặc ruồi”.

Nhiều người dân còn cho rằng, việc xả nước thải chăn nuôi của các trang trại heo khiến dòng suối nhỏ ngăn cách giữa 2 xã Ea Tiêu và xã Hòa Thắng đen thui, sủi bọt mỗi khi nước cạn. Nhiều người có việc phải lội qua suối, về nhà bị ghẻ lở, ngứa ngáy chân tay.Ông Nguyễn Tất Song (thôn 6) thở dài ngao ngán: “Ngoài việc làm nương rẫy, vợ chồng tôi buôn bán tạp hóa, thức ăn để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, nhiều năm nay hàng hóa ế ẩm. Nhìn thấy cảnh ruồi bu đen thức ăn, thức uống ai dám đến mua. Trẻ em, người già ở nơi đây thường xuyên bị bệnh về đường tiêu hóa, đau mắt... Đáng nói, thực trạng này diễn ra suốt 4-5 năm nay nhưng không có cách nào để giải quyết triệt để. Trong khi đó, các chủ trang trại heo ở khu vực thôn 4 và thôn 5 (xã Hòa Thắng) thường xuyên xả nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra suối, môi trường một cách vô tội vạ. Cứ khoảng 6-9 giờ tối, thậm chí là nửa đêm hay những hôm trời mưa, các trang trại nuôi heo lại tìm cách xả thải ra môi trường”.

Hồ chứa nước thải chăn nuôi được ông Tuấn thiết kế ngay bên cạnh dòng suối. 

Cầu cứu trong vô vọng

Trước thực trạng này, người dân hai thôn đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng tại địa phương nhiều năm nay. Ông Nguyễn Hữu Cảnh, Trưởng thôn 6 cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, năm nào người dân và lãnh đạo thôn cũng gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Chúng tôi tha thiết đề nghị các ngành chức năng nhanh chóng tìm giải pháp, yêu cầu các trang trại chăn nuôi heo xử lý nguồn nước thải, phân heo. Đồng thời, yêu cầu các chủ trang trại tuyệt đối không được xả thải ra ngoài môi trường. Thế nhưng, đâu có ăn thua. Chúng tôi sống ở đây thật khổ sở vì môi trường quá ô nhiễm”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thắm, Trưởng thôn 7 thông tin: “Thôn 7 đã làm tờ trình kiến nghị lên UBND xã Ea Tiêu, lên Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cư Kuin về việc giải quyết mùi hôi thối từ các trang trại chăn nuôi heo. Thậm chí, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cư Kuin đã sang xã Hòa Thắng, Phòng Tài nguyên Môi trường TP Buôn Ma Thuột để làm việc về vấn đề này. Sau hai lần chúng tôi làm đơn, các cơ quan có thẩm quyền có về kiểm tra nhiều lần rồi. Tuy nhiên, họ chỉ nói cho qua chuyện rồi mọi thứ vẫn như cũ khiến người dân nơi đây chán nản. Các trang trại nuôi heo của xã Hòa Thắng thỉnh thoảng vẫn xả nước thải, phân bẩn xuống suối ngăn giữa hai xã. Trong khi, rất nhiều thôn buôn ở đây sử dụng nguồn nước suối này để tưới tắm, rửa ráy”.

 Để làm rõ tất cả phản ánh của người dân, P.V đã tìm đến hai trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Tuấn (thôn 4, xã Hòa Thắng). Theo quan sát của chúng tôi, trang trại gắn một ống nhựa  để xả phân, nước thải nuôi heo ra một cái hồ sát bên bờ suối. Vào thời điểm chúng tôi có mặt, mặt hồ chứa nước thải của trang trại ông Tuấn dày đặc phân heo, đen sì. Mùi hôi từ trang trại và từ hồ nước thải bốc lên nồng nặc. Con trai của ông Tuấn cho biết, khu vực này được ông Tuấn thuê để chăn nuôi heo nhiều năm nay. Với hai trang trại, hiện nay ông Tuấn đang nuôi khoảng 700-800 con heo. Trang trại cũng đã xây dựng hầm xử lý nước thải biogas. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của P.V, hồ chứa nước thải, phân heo của trang trại này luôn trong tình trạng tràn ngập. Đặc biệt, từ hồ nước thải này, gia đình ông Tuấn “thiết kế” một cái rạch nhỏ dẫn trực tiếp ra suối đúng như phản ánh của người dân. Trao đổi qua điện thoại, Tuấn cho biết, trang trại của ông đã hoạt động 3 năm nay.

 Ruồi xuất hiện và tấn công cuộc sống của người dân. Ảnh: T.T

Ông phân trần: “Do không đủ điều kiện nên trang trại của chúng tôi hoạt động mà không có phép của cơ quan chức năng”. Về việc dân phản ánh, nước thải từ trang trại chảy trực tiếp ra dòng suối, ông Tuấn biện minh “do cách đây mấy ngày, đường ống bị thủng”. Tuy nhiên, khi P.V dẫn chứng người dân cung cấp, ông Tuấn giãi bày: “Với điều kiện chăn nuôi hiện nay tại trang trại thì không thể xử lý hết được lượng nước thải. Mặc dù có xây dựng hầm biogas nhưng lượng nước thải quá nhiều nên mỗi ngày rửa trại, chúng tôi phải xả thải trực tiếp ra suối. Vẫn biết việc làm này là không đúng nhưng do vay mượn nợ nhiều nên tôi không biết làm gì khác. Phòng Tài nguyên Môi trường đã phạt trang trại tôi 2 lần với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng và yêu cầu xử lý nguồn nước thải. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa đủ điều kiện để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tôi định nuôi hết lứa này, lứa nữa sẽ xin chuyển đi”.

Sau khi ghi nhận tất cả thông tin, P.V đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng. Bà Loan cho hay: “Vào năm 2011, thôn 4 và thôn 5 của xã được UBND TP Buôn Ma Thuột tổ chức quy hoạch khu chăn nuôi, xen canh cây cà phê. Do đó, trang trại của ông Tuấn xây dựng phù hợp quy hoạch. Hiện nay, toàn xã có 21 trang trại nuôi heo nhưng khu vực thôn 4-5 có tới 18 trang trại. Chính quyền địa phương đã mời các chủ trang trại lên làm cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời, UBND xã đã tiến hành tập huấn về môi trường cho các chủ trang trại. Hàng năm, UBND xã phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường đi kiểm tra các trang trại trên địa bàn. Từ khi quy hoạch, UBND xã chưa nhận được thông tin phản ánh của người dân về vấn đề môi trường xung quanh các trang trại”.

Còn bà Nguyễn Thị Xuân, cán bộ địa chính, môi trường xã Hòa Thắng khẳng định: “Từ năm 2012 đến nay, UBND xã chưa phát hiện việc các trang trại chăn nuôi heo ở thôn 4 và 5 xả nước thải trực tiếp ra môi trường”. Câu trả lời của bà Xuân đã đi ngược với diễn biến thực tế. Chiều 14-12, ông Tuấn chủ trang trại heo tại thôn 4 thừa nhận với P.V là có xả nước thải chăn nuôi trực tiếp ra dòng suối giữa 2 xã vì không xử lý kịp. Lúc này, bà Loan nói: “Chúng tôi cảm ơn báo đã thông tin, phản ánh kịp thời. UBND xã sẽ sớm báo cho Phòng Tài nguyên Môi trường vào kiểm tra, xử lý theo quy định”.           

Thơ Trịnh