Khống chế dịch sởi trong thời gian ngắn nhất

Thứ hai, 17/02/2014 12:15

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có cuộc họp trực tuyến triển khai kế hoạch tăng cường phòng, chống bệnh sởi tại 4 điểm cầu Hà Nội, TPHCM,  Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Tại hội nghị, lãnh đạo sở y tế các địa phương đã báo cáo tình hình bệnh sởi trên địa bàn cũng như các giải pháp đã và đang thực hiện để phòng, chống dịch hiệu quả; đồng thời thống nhất khẳng định đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và sẽ khống chế thành công dịch sởi trong hai tháng tới.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, để khống chế dịch sởi trong thời gian ngắn nhất, yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi, tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện sớm, tổ chức cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh.

Các tỉnh, thành phố đang có dịch triển khai ngay chiến dịch tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vaccine sởi, cũng như tăng cường giáo dục, truyền thông để người dân biết cách phòng bệnh cho bản thân, thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch sởi; các bà mẹ hiểu, yên tâm đưa con đi tiêm chủng.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm bảo đủ cơ số thuốc, vaccine sởi cho công tác tiêm phòng. Bên cạnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thực hiện tại các địa phương, các viện trực thuộc khu vực hỗ trợ các địa phương có dịch triển khai hoạt động tiêm phòng an toàn hiệu quả...

Cán bộ thú y đang tiêm thuốc phòng dịch bệnh cho bò.

Bích Thủy

QUẢNG NAM- Ngày 16-2, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, bệnh lở mồm long móng vừa tái bùng phát trên đàn gia súc ở xã Đại Nghĩa, Đại Hiệp và TT Ái Nghĩa (H. Đại Lộc). Đã có gần 30 con trâu và 11 con bò thả rông trên núi của nhiều hộ dân thuộc 3 địa phương bị mắc bệnh, đa số đàn gia súc này chưa được tiêm phòng dịch.

Trước tình hình này, bên cạnh việc tập trung hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp điều trị bệnh hữu hiệu nhất, ngành thú y H. Đại Lộc đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, hóa chất triển khai vệ sinh môi trường, chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi dịch lây lan trên diện rộng và nghiêm cấm người dân không được đưa số gia súc mắc bệnh về lại đồng bằng nhằm hạn chế dịch.

Bão Bình