Khống chế ổ dịch lở mồm long móng tại biên giới

Thứ sáu, 07/03/2014 10:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 6-3, ông Lê Quang Ánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết đã triển khai các biện pháp khống chế ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) phát hiện tại bản Pa Ngày (xã Tà Long) và bản Ngược (xã Pa Nang, H. Đakrông) là các bản giáp biên giới Việt-Lào chủ yếu đồng bào Vân Kiều-Pa Cô sinh sống.

Đây là ổ dịch LMLM đầu tiên tại Quảng Trị được phát hiện từ đầu năm 2014 đến nay. Theo ông Lê Quang Ánh, ngay sau khi nhận tin báo có dịch LMLM, đoàn công tác của Chi cục Thú y tỉnh, Trạm Thú y H.Đakrông phối hợp với cán bộ địa phương khẩn trương đến địa bàn để tiến hành các biện pháp khống chế dịch lây lan.

Khám bệnh cho gia súc tại bản biên giới Pa Ngày.

Pa Ngày và Ngược đều là địa bàn trên núi cao, từ trung tâm xã vào đến bản hơn nửa ngày đường, trong đó phải cắt rừng, leo núi đi bộ gần 10km. Chủ động trước tình hình, đoàn công tác chuẩn bị thuốc, vaccine, vượt qua khó khăn gùi đầy đủ thuốc, thiết bị lên tận bản. Đoàn đã khám được 17 con trâu, bò bệnh tại Pa Ngày và bản Ngược, tình trạng đều mắc bệnh LMLM.

Bà con cho biết trước đó có 2 con trâu, bò mắc bệnh đã chết. Qua khám xác định tất cả gia súc trên mắc bệnh LMLM đã được gần 2 tuần, nhưng do đồng bào chăn thả rông trong rừng nên mới phát hiện vài ngày gần  đây. Có trường hợp người dân phát hiện dấu hiệu bệnh mà không biết là LMLM, tự điều trị bằng lá rừng. Đoàn cũng triển khai tiêm vaccine cho 40 con trâu, bò tại 2 bản.

Chuồng nuôi heo trên núi cao của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô.

Một số gia súc vẫn chưa tiếp cận được do phương thức chăn thả rông. Đây cũng là khó khăn lâu nay trong triển khai công tác tiêm phòng vaccine cho gia súc tại các bản biên giới. Việc lấy mẫu xét nghiệm xác định gia súc nhiễm bệnh loại tuýp nào phải trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 ngày sau khi nhiễm bệnh, tuy nhiên, trong ổ dịch trên đều có thời gian dài trên 10 ngày nên chưa thể xác định được nhiễm Tuýp A, hay O...

Đây là lần đầu tiên dịch LMLM xuất hiện tại bản Pa Ngày, bản Ngược nên người dân vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng. Nhân dịp này, đoàn công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng, hướng dẫn bà con chăm sóc, điều trị đàn gia súc nhiễm bệnh nhằm chóng hồi phục, cũng như tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đồng bào từ lo lắng, hoang mang nay đã yên tâm trở lại.

Tin, ảnh: Bảo Hà