Không đánh đổi

Thứ ba, 03/05/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Năm 2007, Đà Nẵng có 2 nhà đầu tư nước ngoài muốn  đầu tư dự án sản xuất thép và bột giấy với tổng số vốn  2,5 tỷ USD. Đó là dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép của liên doanh China Steel Corporation (Đài Loan), Sumitomo Metal Industries Corp (Nhật Bản) và Vedan Enterprise Corp, Ltd (VN); Dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy của Nhật tại KCN Liên Chiểu. Tuy nhiên, cả 2 “siêu” dự án này đã bị lãnh đạo Đà Nẵng từ chối với lý do nguy cơ tác động xấu tới môi trường. Đà Nẵng chỉ chọn dự án công nghiệp nếu đảm bảo tiêu chí công nghiệp “sạch”. Vào thời điểm gần 10 năm trước, việc từ chối những dự án có số vốn “khủng” như thế được coi là dũng cảm, đồng thời thể hiện định hướng phát triển bền vững, trong bối cảnh các địa phương “đua” nhau thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Bà Huỳnh Liên Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết, đầu năm 2014, một tập đoàn dệt may lớn của Hồng Kông muốn đầu tư xây dựng nhà máy dệt nhuộm và may mặc tổng vốn khoảng 200 triệu USD nhưng TP đã từ chối vì công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau đó, một Cty của Hàn Quốc có nhu cầu hơn 30ha để làm khu liên hợp nhuộm ở Đà Nẵng cũng bị TP “lắc đầu”. Bà Phương cho biết thêm, ngay trong lĩnh vực, ngành nghề mà TP kêu gọi đầu tư đã thể hiện công nghệ cao, thân thiện môi trường. TP xem xét ưu tiên thu hút đầu tư từ các dự án có hàm lượng công nghệ, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường như là một hướng đột phá. Đây là chiến lược lâu dài, vì sự phát triển bền vững của Đà Nẵng, đã được xây dựng, định hướng từ hàng chục năm nay chứ không phải bây giờ.

Đà Nẵng ưu tiên kêu gọi các dự án công nghệ cao.

Chấp nhận giá trị sản xuất công nghiệp không bằng nhiều địa phương trong khu vực, song vì yếu tố môi trường, Đà Nẵng vẫn quyết tâm xây dựng khu CNC. Hiện khu CNC đã có 300ha mặt bằng, trong đó 100 ha có thể giao cho nhà đầu tư. Hai dự án đầu tư cơ khí chính xác với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD hiện đã vào KCN. Bà Phương nói rằng việc thu hút vào khu CNC gặp khó khăn do phải cạnh tranh với TPHCM, Hà Nội, song Đà Nẵng muốn tạo khác biệt về công nghiệp thì phải có khu CNC. Mỗi nhà đầu tư vào khu CNC sẽ là “tài sản” quý  giá của TP.

Bà Phương cũng cho rằng, việc kén chọn nhà đầu tư, trong đó đặt yếu tố thân thiện môi trường làm đầu là một nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào Đà Nẵng không bằng các tỉnh lân cận, cho dù môi trường đầu tư ở Đà Nẵng nhiều lợi thế hơn. “Có những dự án lớn như dệt may không ảnh hưởng môi trường, nhưng trong đó có 1 công đoạn nhuộm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường Đà Nẵng cũng thẳng thừng từ chối. Do vậy, nói về đầu tư công nghiệp, Đà Nẵng không thu hút mạnh bằng Quảng Nam hay Quảng Ngãi” - bà Phương nói. Song riêng về bất động sản, du lịch, vì Đà Nẵng có thế mạnh, ưu đãi nhiều nên nhà đầu tư ào ạt nhảy vào. “Quan điểm của Đà Nẵng không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi để có được dự án. Vì vậy có thể TP không đạt được các dự án lớn, mang lại lợi ích kinh tế trước mắt, song sẽ bền vững về lâu dài. Đà Nẵng mà mất môi trường là mất hết”- bà Phương chia sẻ.

Hải Hậu