Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV:

Không để khoảng trống pháp luật trong xử lý hình sự hành vi sử dụng vũ khí quân dụng để phạm tội

Thứ sáu, 15/11/2019 08:22

Ngày 14-11, Quốc hội thảo luận hội trường về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về hai dự án luật trên.

Bộ trưởng Tô Lâm giải trình ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội.

Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020

Sáng 14-11, với 90,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Theo đó, Quốc hội quyết nghị Tổng số thu ngân sách trung ương là 851.768.636 triệu đồng (hơn 851,768 nghìn tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531.364 triệu đồng (hơn 660,531 nghìn tỷ đồng).

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.069.568.636 triệu đồng (hơn 1.000 nghìn tỷ đồng), trong đó dự toán 367.709.919 triệu đồng (hơn 367,709 nghìn tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục cơ chế giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong dự toán ngân sách nhà nước cho Bộ Giao thông Vận tải; phân bổ tăng thêm 2% dự toán số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách các địa phương nhận bổ sung cân đối so với dự toán năm 2019.

HIỀN HẠNH

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng, ở nước ta, công tác quản lý vũ khí quân dụng là hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng bạo lực không hề giảm. Do đó, tội phạm đã sử dụng các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng để gây án.

Ủng hộ quan điểm cần sửa đổi Điều 304 của Bộ luật Hình sự năm 2017, đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi) nêu ý kiến: “Về Bộ luật Hình sự, trước đây chúng ta quy định người nào sử dụng vũ khí quân dụng và có tính năng tương tự sẽ bị cấm. Nhưng khi sửa đổi đã bỏ vũ khí có tính năng tương tự đi, do đó chỉ có vũ khí quân dụng mới được xem là tội phạm”. Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ thực tế quy định này, nhiều địa phương đã gửi văn bản xin ý kiến của Tòa án nhân dân Tối cao đối với những vụ việc sử dụng súng hoa cải, súng săn hay các loại súng khác làm chết người, gây thương tích, nhưng không phải vũ khí quân dụng nên các địa phương chưa xử được. “Chúng tôi đã họp rất nhiều lần với Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhưng không hướng dẫn được, lý do là không có trong Luật và Hiến pháp quy định những hạn chế từ con người phải do Luật quy định…”, ông Bình chia sẻ.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến rất xác đáng, xuất phát từ những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn quản lý, sử dụng, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ  hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật là cần thiết và phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Về phạm vi sửa đổi bổ sung, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ý kiến cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật như trong tờ trình, đồng thời đề nghị nghiên cứu, sửa đổi thêm các quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Miễn thị thực không là giải pháp tối ưu

Sáng 14-11, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đến Khoản 3, Điều 46 của dự thảo Luật: “giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh nếu đáp ứng đủ các điều kiện có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.

Về nội dung trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc kỹ. Theo đại biểu, quy định này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và điều kiện không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh không có ý nghĩa thực tiễn. Dự thảo lấy lý do luật hóa Quyết định số 80 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế đặc thù phát triển đảo Phú Quốc là người nước ngoài vào đây được miễn thị thực 30 ngày, tuy nhiên thiếu các bằng chứng thuyết phục về sự cần thiết tiếp tục thực hiện quy định này khi công dân các nước ASEAN đã được hưởng quy chế miễn thị thực 30 ngày, không giới hạn thời gian, còn 13 nước đơn phương miễn thị thực 5 năm và có thể gia hạn.

Đại biểu Thúy cho rằng, trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng, quy định như dự thảo luật có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch. Việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ, với nguyên tắc tối thượng: “Không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh”.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, nhiều đại biểu Quốc hội  nhất trí cho rằng, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh khi thực tế hiện nay việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: "không phải cứ miễn thị thực là thu hút khách du lịch mà vấn đề là thu hút khách du lịch bằng sản phẩm du lịch, môi trường tốt và bảo tồn di sản văn hóa".

HIỀN HẠNH