Không để khủng hoảng lao động sau dịch

Thứ tư, 06/10/2021 09:30

Khủng hoảng lao động ở Đà Nẵng sẽ xảy ra cả hai chiều, vừa thừa vừa thiếu. Dịch bệnh khiến một lượng lớn lao động thất nghiệp, đời sống khó khăn, song ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin vẫn rất “khát” lao động chất lượng.

Đà Nẵng sẽ tăng năng lực các sàn giao dịch việc làm, đặc biệt tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm online.  

D ịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) khiến nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập hoặc giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, vận tải…chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng (64%) gần như đóng băng. Phần lớn lao động trong lĩnh vực này thất nghiệp đã phải chuyển nghề, làm công việc bán thời gian bấp bênh hoặc chuyển về quê, chuyển đi địa phương khác ít bị tác động của dịch bệnh hơn.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng- Phó Tổng giám đốc Vitours cho biết, công ty có 4 khách sạn ở trung tâm Đà Nẵng cùng một khách sạn 5 sao ở Hội An tổng cộng khoảng 300 nhân lực, hiện tất cả đã nghỉ việc không lương từ nhiều tháng nay. Ở mảng lữ hành, đơn vị có khoảng 100 lao động cũng đã phải nghỉ việc không lương. “Chúng tôi chỉ giữ chân lao động được thời gian đầu. Do dịch kéo dài, không có khách, cuối cùng lao động đành phải nghỉ việc không lương. Công ty chỉ hỗ trợ giải quyết chế độ về bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký cho tiêm vaccine” – ông Tùng chia sẻ. Thống kê hiện Đà Nẵng đã có hơn 295/310 DN lữ hành, 16 khu điểm du lịch, 931/1.231 cơ sở lưu trú, khách sạn, 330/350 đơn vị xe vận chuyển, 19 đơn vị vận chuyển du lịch đường thủy tạm ngừng hoạt động. Số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) là 12.029 người, chấm dứt HĐLĐ là 26.614 người.

Nhiều DN nỗ lực duy trì sản xuất để giữ chân người lao động.

Bên cạnh du lịch, các lĩnh vực nhà hàng, vận tải hành khách…cũng chiếm số lượng lớn lao động hiện đã phải tạm nghỉ, thất nghiệp. Đặc biệt vài tháng qua, khi diễn biến dịch phức tạp, các địa phương “đóng cửa” chống dịch hoạt động vận tải hành khách bị tạm dừng trước tiên. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng cho biết, từ tháng 5-2021 tới nay các hãng taxi đã phải nghỉ vì dịch, bị giáng một đòn chí mạng, đang đứng bên bờ vực phá sản. Xe taxi nghỉ quá lâu, giờ muốn hoạt động lại cũng phải bỏ tu sửa ít nhất mỗi xe 10 triệu đồng, nhưng giờ có hoạt động lại cũng không có khách. Với 1.500 xe taxi ở Đà Nẵng, đồng nghĩa với gần 2.000 lao động (kể cả tài xế và các bộ phận gián tiếp) thất nghiệp từ hơn 4 tháng qua. Thống kê cho thấy, trong 3 tháng qua, doanh thu vận tải hành khách toàn TP đạt chưa tới 400 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ.

Đứng trước tác động của dịch bệnh, số lao động mất việc tăng, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Bản thân các DN cũng luôn nỗ lực duy trì sản xuất để níu chân người lao động. Ông Hoàng Lê Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng cho biết, lao động là tài sản của DN. Vì vậy, ngay cả lúc dịch bệnh tác động khó khăn nhất, đơn vị cũng sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng thuê khách sạn cho công nhân lưu trú, đảm bảo sức khỏe, yêu cầu phòng dịch để duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. “Nếu để gián đoạn sản xuất vì dịch bệnh, đến khi hoạt động trở lại sẽ khó tuyển lao động, khó bắt nhịp ngay hoạt động sản xuất”- ông Nhựt chia sẻ.

Không chỉ các DN nỗ lực giữ chân người lao động mà TP cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, tổ chức kết nối, duy trì việc làm. Hiện TP đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch hơn 76 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ hơn 1.300 hướng dẫn viên du lịch gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, TP cũng hỗ trợ hơn 12,6 ngàn người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 242 tỷ đồng, cho vay vốn giải quyết việc làm hơn 2,1 ngàn tỷ đồng. Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho biết, điều quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ lao động mất việc vì đại dịch để họ duy trì cuộc sống chờ tới lúc đi làm trở lại.

Hiện phần lớn lao động du lịch thất nghiệp, làm nghề tạm mưu sinh, sẵn sàng trở lại khi hoạt động du lịch được khôi phục.

Như trong lĩnh vực du lịch, ít nhất phải tết âm lịch năm nay mới có thể rục rịch trở lại. Tuy vậy, việc hỗ trợ lao động mất việc nên có một chính sách chung, không cần phân biệt lao động tự do, có hợp đồng hay không hợp đồng. Đã thất nghiệp thì có hợp đồng hay không đều khó khăn như nhau hết, đều cần được hỗ trợ. Hiện mới chỉ lao động tự do được hỗ trợ, trong khi hàng ngàn lao động có hợp đồng nghỉ không lương từ tháng 3-2020 đến nay lại chưa được hỗ trợ. “Chúng ta không lo thiếu hụt lao động khi hoạt động kinh tế phục hồi, du lịch trở lại. Bây giờ nhân lực du lịch phải đi bán hàng, làm trái nghề, nhưng khi có khách, có việc họ sẽ trở lại, không lo thiếu hụt hay đào tạo lại. Điều quan trọng cần hỗ trợ để họ duy trì cuộc sống đến lúc đó” – ông Tùng nói. 

Hiện nay Đà Nẵng đang xây dựng phần mềm “Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động” để đưa vào sử dụng cuối năm 2021. TP cũng tăng cường năng lực các sàn giao dịch việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online để kết nối thị trường lao động với nhu cầu tuyển dụng của các DN. Đặc biệt, việc dạy nghề, chuyển đổi nghề cho lao động sau đại dịch Covid để phù hợp với yêu cầu phục hồi của các DN được TP hết sức chú trọng. Những giải pháp này sẽ giúp Đà Nẵng chủ động cung cầu lao động, tạo ra thị trường lao động lành mạnh, hiệu quả.

HẢI QUỲNH