Không được phân biệt giữa người khám bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ

Thứ bảy, 04/06/2016 13:16

(Cadn.com.vn) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân diễn ra sáng 3-6. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đầu cầu Đà Nẵng, tham dự có Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Phải nâng cao tỷ lệ BHYT tiến tới BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng gặp nhiều khó khăn được Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm, để mọi người dân đều được hưởng phúc lợi xã hội quan trọng này. Đây là một trong những việc quan trọng nhất để bảo đảm an sinh xã hội".

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Thị Minh cho biết: Năm 2015 đã nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ với 76,5% người dân cả nước tham gia BHYT, và đến nay cả nước có 70,8 triệu người tham gia, tăng 0,83 triệu người so với năm 2015. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: theo Quyết định 1548 của Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ người dân, trước mắt hỗ trợ 30% còn lại cho các hộ cận nghèo mua BHYT, nhưng một số tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ. Hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ các hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, đối tượng học sinh, sinh viên; chưa có giải pháp hỗ trợ mở rộng tới các đối tượng vùng bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn…

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chủ trì đầu cầu Đà Nẵng.

Để đẩy nhanh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT đến năm 2020 trên 90% dân số tham gia BHYT, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý, khám, chữa bệnh trong lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Minh đề nghị Chính phủ giao BHXH Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cơ chế chính sách; chủ động mở rộng mạng lưới thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, cơ sở y tế, các trạm bưu điện; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an điều chỉnh lộ trình để 100% đối tượng trong lực lượng vũ trang tham gia BHYT vào năm 2017;  Bộ Tài chính nâng mức hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên; kịp thời thay đổi cơ chế đóng bảo hiểm và cân đối quỹ; Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở xây dựng kế hoạch để tới năm 2017 có 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT…

Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước chỉ 76,5% thì tại Đà Nẵng, tỷ lệ người tham gia BHYT rất cao, vượt chỉ tiêu đến năm 2020 của cả nước. Cụ thể, năm 2015 số lượng người tham gia BHYT là 960.500 người, chiếm 95% dân số thành phố. Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh BHYT được quan tâm, hệ thống chăm sóc y tế Đà Nẵng đã tổ chức đón tiếp, chăm sóc người bệnh, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh ngay tại bệnh viện và đảm bảo quyền lợi chu đáo cho người bệnh có BHYT. Đặc biệt, với mục tiêu "Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh", cùng với việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y, bác sỹ, cơ sở vật chất cũng được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền,  ngành y tế và hệ thống y tế phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trước tiên là không phân biệt giữa người khám bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ. Làm sao người dân đóng BHYT khi vào viện phải bỏ tiền túi ít hơn, đây là trách nhiệm rất lớn của ngành. Sớm có phần mềm liên thông toàn bộ các bệnh viện để người dân cầm một cái thẻ thì đi bất kỳ đâu cũng được khám, chữa bệnh. Ngoài ra, cần xem xét phương án mở rộng hỗ trợ người tham gia BHYT tự nguyện lúc đầu.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép BHXH Việt Nam ngay trong năm 2016 sử dụng nguồn kinh phí kết dư gần 450 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT; đẩy nhanh kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh để tạo điều kiện thanh toán cũng như khám chữa bệnh thuận lợi hơn cho người dân. Bộ Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT, đặc biệt không phân biệt đối với người bệnh được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khám, chữa bệnh và giảm chi từ tiền túi của người bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát.

Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, bảo đảm đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đến năm 2018 đạt 100% quân nhân, cán bộ chiến sĩ tham gia BHYT. Các địa phương chủ động bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trong đó tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, bảo đảm 100% người thuộc hộ gia đình thuộc hộ cận nghèo được tham gia BHYT; hỗ trợ tối thiểu 20% mức đóng BHYT còn lại cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Xuân Đương