Không gian hội họa ở cà-phê Lâm
Vào khoảng 1994-1995, trong một lần tham gia Triển lãm mỹ thuật tại Hà Nội, tôi cùng vài anh em họa sĩ Quảng Nam-Đà Nẵng có dịp ghé thăm cà-phê Lâm. Ấn tượng đầu tiên tôi còn nhớ về nhà sưu tập Lâm Toét, đó là một người mảnh khảnh, mắt thường hơi nhòe ướt, rất nhiệt tình, hiếu khách. Khi hay biết chúng tôi là những họa sĩ đến từ miền Trung, ông lập tức yêu cầu mỗi người phải ký họa cho ông 1 bức chân dung. Tất nhiên không ai từ chối. Và đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi biết Lâm Toét có 8 bộ sưu tập ký họa như vậy, cùng nhiều bức tranh chưa từng công bố của các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương… (Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng) |
(Cadn.com.vn) - Những ngày đầu năm này, có dịp ra Hà Nội, tình cờ ngang qua đường Nguyễn Hữu Huân, tôi bất ngờ nhận ra quán cà-phê Lâm–một địa chỉ sưu tập tranh nổi tiếng lâu đời ở Hà Nội. Bất ngờ bởi đó chỉ là cái quán nhỏ ọp ẹp nằm xen giữa phố cổ Hà Nội, nhà hai tầng, tường xây trát vữa quét vôi vàng và những khung cửa sổ gỗ, mái nhà lợp ngói ta, song có chút gì đó lãng đãng, mơ màng… Bên trong, cạnh những chiếc quạt trần cổ, các bộ bàn ghế gỗ thấp nhỏ lè tè là một không gian khá ấn tượng bởi những bức tranh xưa cũ, tất cả đều nhuốm màu thời gian và không gian Hà Nội một thời. Trong đó, có cả tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng trong bộ tứ “Sáng-Liên-Nghiêm-Phái”….
Dường như những cô gái hàng cà-phê nhận ra tôi là khách lạ nên vừa chào hỏi vừa quan sát, chúm chím cười. Sau khi mang cà-phê ra, nhìn thấy tôi rút máy ảnh từ túi xách ra, một cô nói ngay:
- Ở đây, anh có thể chụp ảnh kỷ niệm toàn cảnh, nhưng đừng chụp riêng từng bức tranh nhé!
Thế là tôi rảo một vòng xem tranh, rồi ngồi nhâm nhi cà-phê, thỉnh thoảng vừa nhìn ra dòng người qua lại xôn xao trong buổi sáng mùa xuân, chợt nhớ đến bức tranh “Phố Nguyễn Hữu Huân” của họa sĩ Bùi Xuân Phái và đôi lời ghi chú về bức tranh ấy của họa sĩ Bùi Xuân Phương (con trai của họa sĩ Phái): “Đây là bức “Phố Nguyễn Hữu Huân”, sơn dầu trên vải, được Bùi Xuân Phái vẽ vào năm 1967 (căn cứ vào chữ ký và nhịp điệu bức tranh cùng phong cách của họa sĩ). Bức này chắc hẳn họa sĩ đã vẽ nó khi ông đang ngồi nhâm nhi cà-phê tại quán Cà-phê Lâm, 60-Nguyễn Hữu Huân. Nếu có dịp đến quán cà-phê này, kê ghế ngồi ngoài vỉa hè, nhìn sang bên đường đối diện… đó chính là thực cảnh của bức tranh này (bây giờ tất cả đã đổi thay, khu này cũng đã bị đập bỏ và xây mới). Thế hệ ngày nay và mai sau nếu muốn tìm hiểu hay thưởng lãm vẻ đẹp của khu phố cổ Hà Nội chỉ còn mỗi cách là tìm đến tranh Phố Phái”.
![]() |
Tác giả bên cạnh bộ sưu tập tranh ở cà-phê Lâm. |
Cà-phê Lâm khởi đầu sự nghiệp bằng việc bán cà-phê bằng xe đẩy ở vườn hoa Chí Linh, Hà Nội từ khoảng những năm 1950. Chủ quán là ông Nguyễn Văn Lâm, thường được thân hữu gọi là Lâm Toét, Lâm Khói, mặc dù, mắt ông không bị toét mà có thói quen hấp háy và lúc nào cũng nhòe ướt. Sau đó một thời gian, ông Lâm không còn bán bằng xe đẩy mà mở một quán cà-phê ở phố Hàng Vôi. Cuối cùng, ông Lâm mua căn nhà cổ ở phố Nguyễn Hữu Huân và nơi đây trở thành nơi tụ họp của giới văn nghệ sĩ Hà thành vang bóng đến tận ngày nay. Cô cháu gái ông Lâm hiện đang trông nom quán nói: “Ngày ấy cà-phê Lâm đã là điểm đến ưa thích của giới công chức làm việc ở ngân hàng, bưu điện, giới văn nghệ sĩ… Đến năm 1955, quán chuyển qua Tôn Đản rồi năm 1960 thì chính thức chuyển về địa chỉ 60-Nguyễn Hữu Huân như bây giờ”.
Sinh thời, ông Lâm yêu hội họa và có cái nhìn khá tinh tế về cái đẹp để rồi tình cờ số phận đưa đẩy ông trở thành một nhà sưu tập mỹ thuật cự phách ở Việt Nam. Có khá nhiều giai thoại kể về chuyện sưu tập tranh của ông Lâm. Chẳng hạn, trước kia, các họa sĩ đến đây đa phần là thân quen với chủ quán nên tha hồ ghi sổ nợ, đôi khi họ còn được chủ quán cho vay tiền mua vải, bút và màu vẽ… Khi tiền thiếu đã nhiều, họ mang tranh đến trả cho ông Lâm thay tiền trà nước. Ông Lâm vốn dễ tính nên nhận tất cả, bất kể tranh thuộc thể loại phong cảnh, đường phố, ký họa, than chì, bột màu hay siêu thực. Từ đó, trên các bức tường của cà-phê Lâm dần dần được phủ kín bằng tranh của các họa sĩ: Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… Chiếm đa số là tranh của Bùi Xuân Phái. Sau này khi thị trường mở cửa với hội họa và tên tuổi của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã được người nước ngoài biết đến, người ta coi cà-phê Lâm là địa chỉ đáng tin cậy để tìm kiếm tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng.
![]() |
Cà-phê Lâm hiện nay. |
Nhiều người nhận định, thời đáng nhớ nhất của cà-phê Lâm là những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nơi đây được xem là điểm hẹn gặp thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như các cụ Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Hoàng Lập Ngôn… Thậm chí, có lần, cụ Nguyễn Tuân đã nói vui rằng: “Hữu ngạn sông Seine có Bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có cà-phê Lâm”. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: “Có thể nói bộ sưu tập của Nguyễn Văn Lâm không đài các quý phái chăm chút lồng kính bóng lộn, mà tranh được treo nghiêng ngả, xô lệch không theo một trật tự nào: Cô thiếu nữ đi chợ Xuân của Tô Ngọc Vân bên Bà cháu giã gạo của Nguyễn Tiến Chung, Múa sư tử của Tư Nghiêm bên Cô gái Tày của Nguyễn Sáng…
Khách vừa uống cà-phê trong không gian ẩm thấp, tối tối, ánh sáng nhạt nhòa vừa thưởng thức những tranh Phố Phái xiêu lệch, và thưởng ngoạn một không gian nghệ thuật sẽ không bao giờ có được nữa trong cuộc sống đương đại, bận rộn, vội vàng hôm nay. Tất cả chỉ là một kỷ niệm thoáng qua êm đềm và đượm buồn”. Còn họa sĩ Bùi Xuân Phương cho rằng, riêng về tranh Bùi Xuân Phái: “Theo mắt tôi được thấy, ông Lâm có khoảng 5 bức sơn dầu, kích cỡ khá lớn. Bức nhỏ nhất trong số đó có kích thước: 60cm x 580cm (đó là bức phố Hàng Bạc, bức này hiện nay đã thuộc về nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn).
Bên cạnh sự nổi tiếng là một bảo tàng mini sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Hà Nội, cà-phê Lâm còn được khách bốn phương tìm đến bởi hương vị khá đặc biệt, có vị đậm, hơi khét, vốn được thừa hưởng từ kỹ thuật pha chế của ông Lâm để lại. Nhà sưu tập Nguyễn Văn Lâm cùng những họa sĩ tài danh cùng thời ông hầu như đã lần lượt qua đời, nhưng những bức tranh khắc họa về con người và cảnh vật Hà Nội xưa vẫn còn như nguyên vẹn. Ngồi nhấm nháp những giọt cà-phê và xem tranh ở quán Lâm, lòng chợt lâng lâng tưởng chừng không gian, thời gian, đất trời đang ngưng đọng…
Trần Trung Sáng