Không nên chờ vaccine dịch vụ

Thứ ba, 17/03/2015 12:58

* Vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia hiệu quả hơn

(Cadn.com.vn) - Trước tình trạng quá tải tiêm vaccine dịch vụ những ngày qua tại Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng (TTYTDPĐN), P.V đã có cuộc phỏng vấn  ThS. Tôn Thất Thạnh - Giám đốc TTYTDPĐN và được ông khuyến cáo người dân không nên bị động, trông chờ vào vaccine dịch vụ.

ThS. Tôn Thất Thạnh

P.V: Xin ông cho biết vì sao những ngày qua lượng người tới TTYTDPĐN tiêm vaccine lại tăng mạnh dẫn đến quá tải?

ThS. Tôn Thất Thạnh: Hiện tại mỗi ngày có gần 300 lượt người tới Trung tâm tiêm phòng các loại bệnh, trong đó nhiều hơn cả là tiêm phòng bệnh thủy đậu và viêm não Nhật Bản B. Sở dĩ lượng người tới tiêm tăng cao một phần vì mùa cao điểm của bệnh thủy đậu, mặt khác vì người dân nghe thông tin từ các địa phương khác như Hà Nội, TPHCM xuất hiện các trường hợp mắc thủy đậu, viêm não nên lo lắng, vội vàng đưa trẻ tới tiêm. Đây cũng là tâm lý phổ biến của người dân, tức là thụ động trong tiêm chủng, cứ khi nghe có mắc bệnh trên báo, đài là lại ồ ạt kéo nhau đi tiêm. Mặt khác, trong thời điểm Tết, nhất là những ngày đầu Xuân, mặc dù Trung tâm vẫn mở cửa nhận tiêm phòng, thậm chí còn nhắn tin vào số điện thoại của người dân đã đến lịch tới tiêm, nhưng đầu năm người dân kiêng ngại, từ đó dẫn đến số lượng bị ứ đọng, giờ là lúc người dân ồ ạt kéo tới Trung tâm.

P.V: Vậy Trung tâm có giải pháp gì giải quyết tình trạng quá tải này, thưa ông?

ThS. Tôn Thất Thạnh: Trong trường hợp này phải tăng thêm bàn tiêm, bố trí thêm nhân lực, kéo dài thời gian phục vụ hơn. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì diện tích của Trung tâm đã quá chật chội để đáp ứng nhu cầu, chúng tôi muốn tăng thêm bàn tiêm, bố trí thêm nhân viên cũng đành chịu. Về lâu dài, nếu diện tích của Trung tâm vẫn thế này thì phải sống chung với quá tải là đương nhiên, thậm chí dự báo mức độ quá tải trong thời gian tới còn nghiêm trọng hơn nữa.

Rất đông người dân tới TTYTDPĐN tiêm vaccine dịch vụ.

P.V: Thưa ông, phải chăng tình trạng quá tải này một phần do người dân chờ có vaccine dịch vụ để tiêm, thay vì họ có thể tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ở phường, xã?

ThS. Tôn Thất Thạnh: Đúng ra, tới định kỳ, người dân sẽ đưa trẻ đi tiêm phòng ở trạm xá phường, xã theo chương trình tiêm chủng mở rộng, hỗ trợ kinh phí hoàn toàn. Tuy vậy, người dân lại có tâm lý muốn tiêm dịch vụ hơn, dù phải tốn kém kinh phí rất lớn. Nhiều khi các vaccine dịch vụ không còn, người dân lại chờ đợi tới khi có mới tiêm, bất kể đã quá định kỳ buộc phải tiêm phòng.

Theo tôi, người dân không nên chờ vaccine dịch vụ được dự báo sẽ thiếu vì điều này vừa làm trẻ trễ tiêm hoặc không đủ liều dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Chẳng hạn trẻ 2 tháng phải tiêm ho gà, 9 tháng phải tiêm sởi, nếu đúng định kỳ này ra phường, xã tiêm là xong, tuy vậy người dân lại chờ 4-5 tháng sau có vaccine dịch vụ mới đưa đi tiêm. Trong thời gian chờ đợi 4-5 tháng đó trẻ rất dễ mắc ho gà, sởi. Thực tế chứng minh thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp như vậy.

Hiện tại vaccine 6 trong 1 ở TTYTDPĐN chỉ còn 200 liều trong khi dự báo đến hết năm 2015 mới có lại; vaccine 5 trong 1 hiện còn khoảng 400 liều và dự báo tháng 4-2015 sẽ có lại. Như vậy, chỉ khoảng 1 tháng nữa sẽ "cháy" vaccine 6 trong 1. Sở dĩ diễn ra tình trạng thiếu trầm trọng vaccine dịch vụ vì nhu cầu sử dụng loại vaccine này tăng cao ở nhiều nước khiến nhà sản xuất không cung ứng đủ, trong khi một số nhà sản xuất lại thay đổi dây chuyền sản xuất để chuyển sang các loại vaccine mới.

P.V: Thưa ông, vậy giữa tiêm vaccine dịch vụ với tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia  có gì khác nhau mà người dân cứ "nằng nặc" chọn tiêm dịch vụ dù phải chờ đợi, dù phải tốn kém kinh phí?

ThS. Tôn Thất Thạnh: Tiêm dịch vụ ở đây chủ yếu là mũi 6 trong 1 nhập từ Bỉ, phòng 6 bệnh và 5 trong 1 nhập từ Pháp phòng 5 bệnh phổ biến ở trẻ. Còn tiêm trong Chương trình tiêm chủng quốc gia gồm các mũi phòng lao, sởi và đặc biệt là Quinvaxem phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi màng não do Hib, cũng là các bệnh phổ biến ở trẻ. Sự khác nhau ở đây chỉ là tiêm dịch vụ thì trẻ ít sốt hơn tiêm Quinvaxem, vì thế sau khi tiêm phụ huynh sẽ không bị ảnh hưởng công việc khi phải ở nhà chăm con sốt. Sở dĩ Quinvaxem gây sốt ở trẻ cao hơn vì sử dụng kháng nguyên nguyên con trong khi vaccine dịch vụ chỉ sử dụng một số kháng nguyên. Cũng vì sử dụng kháng nguyên nhiều hơn nên về chất lượng, hiệu quả phòng bệnh ở trẻ thì Quinvaxem cao hơn vaccine dịch vụ. Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh Quinvaxem an toàn, hiệu quả hơn; những phản ứng phụ của Quinvaxem rất thấp so với tổng số trẻ được tiêm.

P.V: Như vậy Quinvaxem tốt hơn vaccine dịch vụ, vấn đề còn lại chỉ là tâm lý của người dân?

ThS. Tôn Thất Thạnh: Tôi khuyến cáo người dân không nên chờ đợi để tiêm vaccine dịch vụ mà đến định kỳ hãy đến trạm y tế phường, xã tiêm Quinvaxem để trẻ được phòng bệnh kịp thời, tránh tạo nguồn lây bệnh cho cộng đồng. Mặt khác, hệ thống trạm y tế xã, phường hiện nay được kiểm tra, đầu tư theo đúng chuẩn quy định của Bộ Y tế gồm phòng khám-tư vấn, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm; cán bộ y tế cơ sở cũng đã được tập huấn khám, sàng lọc, tiêm an toàn; trang thiết bị bảo quản vaccine ở cơ sở cũng được đầu tư đúng mực. Người dân hãy an tâm đưa trẻ tới trạm y tế xã, phường tiêm chủng theo lịch để tránh tình trạng đổ hết lên TTYTDP TP gây quá tải, giảm khả năng và chất lượng phục vụ đặc biệt gây thiếu vaccine tạm thời.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hải Quỳnh
(thực hiện)