Không nên quay lưng với thịt lợn an toàn

Thứ bảy, 23/03/2019 14:16

Mặc dù cơ quan chức năng khẳng định, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) không lây sang người, người tiêu dùng không nên quá lo lắng khi sử dụng thịt lợn, chỉ cần chọn thịt rõ nguồn gốc xuất xứ và có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y là đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi trên địa bàn TT-Huế xuất hiện loại dịch này, tâm lý nhiều người tiêu dùng vẫn lo ngại nên quay lưng với thịt lợn.

Dù có kiểm dịch, rõ xuất xứ nhưng nhiều quầy thịt lợn ở các chợ trên địa bàn TT-Huế  vẫn ế ẩm. 

Suốt từ sáng đến trưa, hơn 20 quầy thịt lợn ở chợ Phò Trạch (TT Phong Điền, H. Phong Điền) chỉ lác đác vài khách. Chị Nguyễn Thị Sáu, kinh doanh thịt tại chợ cho biết, khoảng mấy ngày gần đây, nhất là sau khi nghe tin DTLCP xuất hiện ở xã lân cận, nhiều người dân lo ngại nên các hàng thịt lợn lâm vào tình cảnh ế ẩm. Cùng với đó, hơn 30 hộ kinh doanh thịt lợn ở Trung tâm thương mại Quảng Điền cũng chịu chung số phận. "Mỗi lô hàng chỉ lấy vài kg thịt lợn nhưng chẳng ai mua. Thịt bán ở chợ đều có dấu kiểm dịch thú y hẳn hoi nhưng vì tâm lý khách hàng dè chừng nên việc buôn bán của chị em bị ảnh hưởng theo. Nhiều ngày qua, có khoảng 5-6 chủ hàng không theo nổi nên đã bỏ chợ", một tiểu thương bán thịt cho biết.

Tương tự, tại TP Huế, các cửa hàng thịt tại các chợ lớn như: An Cựu,  Bến Nghé, Cống... cũng chẳng khả quan hơn. "Mình bán thịt sạch, có đóng dấu kiểm dịch đàng hoàng nhưng nhiều chị em nội trợ vẫn lo sợ không dám mua. Có mấy khách hàng quen đi ngang qua nhưng cũng lơ. Nếu tình trạng này kéo dài trong vài ngày nữa chắc phải chuyển qua lấy thịt bò để bán", một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Bến Nghé ngao ngán. Tại nhiều cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi, nhiều đàn lợn đến thời kỳ xuất chuồng nhưng vì ế ẩm, bạn hàng không đến thu mua nên các chủ nuôi vừa phải lo đề phòng, ngăn ngừa dịch lây lan vừa phải gắng gượng lo thêm chi phí thức ăn giữ đàn…

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho hay, tinh thần chung của Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, nghi mắc bệnh buộc tiêu hủy 80% giá trị con vật. Giá lợn hiện nay khoảng 42 ngàn đồng/kg thì tỉnh sẽ hỗ trợ 38 ngàn đồng/kg, đối với lợn nái khoảng 64 ngàn đồng/kg. "DTLCP không gây bệnh trên người, đó là khẳng định của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế. Vì vậy, người dân thấy thịt lợn có đóng dấu, rõ nguồn gốc xuất xứ thì có thể yên tâm tiêu thụ", ông Hưng nói.

Đến nay, tỉnh TT-Huế đã thành lập 7 chốt kiểm dịch, tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ, trong đó có các chốt mới nhất được thành lập trên QL49 và đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện A Lưới, nơi có nhiều xe chở động vật thường xuyên qua lại. Tất cả xe chở lợn qua địa bàn đều được lực lượng thú y dừng kiểm tra và phun thuốc khử trùng theo quy trình. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với lợn có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các sản phẩm thịt đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích... và gửi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm có thẩm quyền để xác định chính xác tác nhân gây bệnh. Tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có DTLCP nhập cảnh vào Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

H.LAN