Không nên quy định Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố lập danh mục bí mật Nhà nước
Ngày 13-10, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự thảo Luật An ninh mạng (ANM) và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (BVBMNN). Hội nghị do ông Nguyễn Thanh Quang- UVBTV Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì với sự tham gia của các ĐBQH, đại biểu các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia về lĩnh vực luật pháp.
Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Thanh Quang chủ trì hội nghị. |
Dự thảo Luật ANM có thể chồng chéo do phạm vi điều chỉnh quá rộng
Dự thảo Luật ANM gồm 8 chương, 55 điều, quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ ANM; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan đến hoạt động bảo vệ ANM. Ý kiến các đại biểu (ĐB) cho rằng việc ban hành Luật ANM là cần thiết vì quá trình hội nhập quốc tế, phát triển CNTT. Thực trạng tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác ANM trong bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH; phòng ngừa, đối phó với các nguy cơ đe dọa ANM; khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến việc bảo vệ ANM; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về ANM.
Góp ý vào nội dung dự thảo luật, ông Nguyễn Quang Thanh- Giám đốc Sở TT-TT cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự luật quá rộng, có thể dẫn đến những quy định chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được ban hành như: Luật An toàn thông tin (ATTT) mạng, Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử. Vì vậy cần rà soát, tránh trùng lắp với các luật khác và tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành. Có ý kiến ĐB đề nghị nên tích hợp Luật ANM vào Luật ATTT mạng vì thực chất ANM và ATTT trong môi trường mạng thực chất là hai mặt không thể tách rời của một vấn đề và nên đổi tên thành Luật ANM và ATTT trong môi trường mạng. Một số ý kiến cho rằng dự thảo luật còn những quy định chưa rõ, chưa cụ thể như: giải thích từ ngữ "an ninh mạng"; chính sách của Nhà nước về ANM; các biện pháp bảo vệ ANM; quy định về ý thức của công dân trong việc tham gia mạng và bảo vệ ANM...
Dự thảo Luật BVBMNN- Cần chú trọng ứng dụng CNTT
Góp ý đối với dự thảo Luật BVBMNN, các ĐB đề nghị cần chú trọng ứng dụng CNTT để bảo vệ các BMNN và tránh lạm dụng luật trong việc ban hành văn bản. ĐB Trần Minh Khiết (Hội Luật gia) cho rằng, trong phân loại BMNN chưa quy định rõ ai là người có quyền quy định cấp độ "mật". ĐB Khiết cũng đề nghị bổ sung lĩnh vực "tổ chức cán bộ" vào chế độ "mật" vì đây là loại thông tin nhạy cảm. Các ĐB Ngô Văn Công (CATP) và ĐB Nguyễn Thành Đính (BĐBP) đề nghị bổ sung về thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu mật đối với một số chức danh như: Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy, quận, huyện và bổ sung một số hành vi, một số lĩnh vực cần được đưa vào quản lý BMNN như: bí mật kinh tế, người làm ra BMNN... Về thẩm quyền sao, chụp BMNN, ĐB Trần Đình Quảng (TAND TP) lại cho rằng quy định như điều 12 của dự thảo luật là quá mở, nên thu hẹp lại, nhất là đối với các BMNN thuộc loại tuyệt mật, tối mật. ĐB Tạ Tự Bình (Sở Tư pháp) và một số ĐB cho rằng không nên quy định Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập danh mục BMNN mà nên lập danh mục theo ngành dọc, để cấp Bộ trưởng từng ngành lập và trình Chính phủ. Vì, nếu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố lập sẽ không bao quát hết được các lĩnh vực, việc mỗi tỉnh, thành phố ban hành một danh mục BMNN khác nhau sẽ dẫn tới thiếu đồng nhất và cũng dễ dẫn tới lợi ích nhóm.
Thay mặt Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Thanh Quang cảm ơn và ghi nhận các góp ý của các ĐB và cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Ban Soạn thảo của QH và có ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV sắp tới.
K.T