“Không run sợ, không quá lo lắng, nhưng không được chủ quan”
Đây là tinh thần được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ không phản đối khung chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhưng yêu cầu xem xét tình hình dịch bệnh vào phiên họp sau để có quyết định cuối cùng việc học sinh đi học trở lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ được giám sát y tế chặt chẽ Theo thông tin từ ngành Y tế Hà Nội cho biết: Tối 23-2, HLV trưởng Đội tuyển quốc gia Bóng đá Việt Nam Park Hang Seo cùng vợ là bà Choi Sang-a đã nhập cảnh vào Việt Nam tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ngay sau khi xuống sân bay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã tiến hành điều tra tiền sử dịch tễ của HLV Park Hang Seo và vợ. Theo đó, trong 15 ngày trước khi nhập cảnh, hai vợ chồng HLV Park Hang Seo ở tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), không có mặt tại vùng dịch. Hai vợ chồng HLV Park Hang Seo đã được kiểm tra thân nhiệt, đảm bảo tình trạng sức khỏe tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Do tính chất công việc là làm việc với Đội tuyển quốc gia bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo cùng vợ được nhập cảnh và sẽ được ngành Y tế Hà Nội giám sát y tế chặt chẽ. QUỐC TRỊ |
Chưa chốt ngay thời điểm học sinh đi học trở lại
Liên quan đến việc đi học của học sinh, sinh viên (HS, SV), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn các trường học trên cả nước vệ sinh trường học, các địa phương đã làm tốt việc này và sẵn sàng cho học sinh trở lại trường. Ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với HS, SV là đối tượng lớn có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2-3 tới. Còn đối với HS mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cho HS, SV đi học trở lại cần căn cứ vào các lý do, bao gồm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trong 11 ngày qua không có ca nhiễm mới và 15/16 trường hợp nhiễm bệnh đã khỏi. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch.
Thứ hai, việc tiếp tục cho HS nghỉ học sẽ làm phát sinh những ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, xã hội. Việc cho HS, SV đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học. Cụ thể, đối với HS từ bậc THPT trở lên có thể đi học từ ngày 2-3 vì độ tuổi này có sức đề kháng tốt và ý thức tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Như thế cũng bảo đảm thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh đại học và đi du học nước ngoài. Đối với HS mầm non, tiểu học, THCS do chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay mà nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch.
Không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ dịch Covid-19 không chỉ là một thử thách đối với ngành Y tế mà còn là phép thử rất thực chất về phương diện quyết tâm chính trị, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, các địa phương. Toàn xã hội đã phản ứng rất trách nhiệm, nhanh chóng trước các quyết sách của Chính phủ. Chúng ta đã xử lý các bất cập rất kịp thời và quyết đoán. Nhân dân đoàn kết, tin tưởng, chia sẻ khó khăn và mục tiêu cùng với chính quyền. Trong công tác chống dịch, không có tình trạng trên nóng, dưới lạnh, hành chính quan liêu.
Theo Thủ tướng, nỗ lực phòng chống dịch, thái độ và ứng xử của Việt Nam đã bước đầu được quốc tế ghi nhận. Một phần thưởng rất lớn đối với chúng ta thời gian qua chính là niềm tin của nhân dân, của quốc tế vào tinh thần Việt Nam, vào quyết tâm, hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị. Tuy vậy, theo Thủ tướng, với trách nhiệm của mình, chúng ta cũng thấy các bất cập, tồn tại cần phải nhận diện từ thực tiễn chỉ đạo, như khả năng giám sát dịch bệnh theo khu vực địa lý chưa thích hợp. Vẫn còn một số ít ngành, địa phương còn chủ quan. Hành động tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó cần phải bổ sung tốt hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, khống chế dịch Covid-19 tại Việt Nam một cách căn bản, không được chủ quan, coi việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung ở các cấp, các ngành, địa phương. “Chúng ta cần phấn đấu không để ai bị nhiễm bệnh mà không được biết tới và nhanh chóng chữa khỏi cho mọi bệnh nhân Covid-19, kể cả người nước ngoài”, Thủ tướng nói. Cách ly là biện pháp quan trọng. Phát hiện sớm, đề phòng chủ động. Cần cách ly kịp thời mọi đối tượng từ vùng dịch đến Việt Nam đủ 14 ngày. Theo dõi y tế kịp thời khi có bất kỳ triệu chứng nào. Các hoạt động đông người cần tiếp tục hạn chế để tránh lây lan. Không để lây nhiễm chéo xảy ra. Ngành y tế kịp thời điều trị tốt cho người bệnh, hạn chế tử vong. Chúng ta kiên quyết nhưng bình tĩnh trong chống dịch, cố gắng thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch tốt, vừa triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm hoạt động bình thường, Thủ tướng nói và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành sớm ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để giữ ổn định các mặt đời sống, xã hội.
Về một số việc cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, khởi động du lịch Việt Nam an toàn, hàng không an toàn trong ngành văn hóa, du lịch. Các địa phương, hiệp hội, các ngành tiếp tục tìm thị trường mới, nhất là các nước ít bị dịch bệnh. Các cấp, các ngành, các Cty, doanh nghiệp khắc phục sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước để lại bằng những biện pháp khác, chủ động hơn. Sẵn sàng đón bắt dòng đầu tư từ nhiều nước đến Việt Nam, một điểm đến an toàn. Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ở một số ngành không bị ảnh hưởng bởi dịch như gỗ, rau củ quả, thủy sản...
Thủ tướng mong muốn người dân tự tin, tích cực phòng chống, bảo đảm hoạt động bình thường; cho biết, Thường trực Chính phủ không phản đối khung chương trình học của Bộ GD&ĐT, yêu cầu xem xét tình hình dịch bệnh vào phiên họp sau để có quyết định cuối cùng việc HS đi học trở lại. “Không run sợ, không quá lo lắng, nhưng không được chủ quan”, Thủ tướng nói, nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, kỷ cương, sáng tạo.
Hỗ trợ công dân Việt Nam ở Hàn Quốc
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, trong đó có 26.787 người tại Daegu và khu Bắc Gyeongsang. Người Việt Nam tại Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc vẫn đi làm bình thường, không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, để hỗ trợ người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc phòng, chống dịch bệnh, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chủ động liên hệ với các cơ quan đối tác như Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn Quốc... cập nhật thông tin liên quan đến chính sách, quy định đối với người lao động nước ngoài về nhập cảnh: quy định không xử phạt cư trú bất hợp pháp khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng lây nhiễm; quy định kéo dài thời gian làm việc thêm 50 ngày đối với những lao động có hợp đồng...
Các chuyên gia y tế Việt Nam cho biết, ngày 23-2, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo khẳng định, Hàn Quốc có các hệ thống y tế, chuyên gia và công nghệ tiên tiến, có khả năng đối phó với dịch Covid-19. Để đối phó với sự lây lan, Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập một trung tâm xử lý dịch Covid-19 do Thủ tướng Chung Sye-kun đứng đầu. Mặc dù sự lây lan của virus SARS-CoV-2 dự kiến sẽ tiếp diễn, song, Chính phủ Hàn Quốc tin tưởng, sự lây lan của dịch Covid-19 sẽ được kiềm chế hoàn toàn. Với cơ sở trên, các chuyên gia y tế Việt Nam nêu rõ, việc hạn chế nhập cảnh, cách ly những người đến từ vùng có dịch Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc vào thời điểm này là phù hợp.
QUỲNH NHƯ – TTXVN