Không tăng giá dịch vụ y tế cho người không có bảo hiểm y tế

Thứ sáu, 21/10/2016 09:36

(Cadn.com.vn) - Chiều 19-10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành giá một số mặt hàng cụ thể trong 9 tháng năm 2016, định hướng điều hành giá các tháng cuối năm.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ số CPI bình quân 9 tháng qua tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,14% so với tháng 12-2015, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,34%. Nguyên nhân CPI 9 tháng tăng được nhìn nhận chủ yếu do tác động từ việc điều hành giá theo lộ trình thị trường đối với dịch vụ y tế và giáo dục. Trong đó, việc thực hiện lộ trình tăng học phí các cấp học năm 2016-2017 tại 53 tỉnh, thành phố trong tháng 9 vừa qua (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP) đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 9 tháng tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,28% vào mức tăng chung của CPI 9 tháng qua so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bước 2 (bao gồm các chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và chi phí tiền lương) từ ngày 12-8 vừa qua, tại 16 địa phương có tỷ lệ bảo hiểm y tế bao phủ hơn 85% (đợt 1), đã làm chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tháng 8 vừa qua tăng 8,12%, góp phần làm cho CPI tháng này tăng khoảng 0,28%. Đợt điều chỉnh thứ hai được thực hiện từ ngày 12-10 vừa qua áp dụng cho 16 địa phương bao gồm Hà Nội dự kiến sẽ tác động vào CPI tháng 10 này khoảng 0,51%.

Đại diện Bộ Y tế cho biết các địa phương còn lại chưa điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bước 2 sẽ được Bộ chủ trì, xem xét, quyết định thực hiện vào các thời điểm thích hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016 dưới 5%.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP, thống nhất việc thí điểm giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (không thuộc danh mục 5 hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu). Bộ Y tế hiện đang kiện toàn nhân sự Ban mua sắm thuốc tập trung để triển khai đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia trong thời gian tới.

Nhìn lại diễn biến mặt bằng giá 9 tháng qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngoài lạm phát tiền tệ cơ bản 1,81%, tác động vào CPI 9 tháng chủ yếu là thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, lương thực và thực phẩm. Khẳng định việc điều hành giá từ đầu năm đến nay được thực hiện một cách chủ động, đúng kịch bản, đúng chủ trương và thận trọng, mục tiêu kiểm soát giá vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ là không quá 5%, Phó Thủ tướng nêu rõ cả chiều giảm giá và chiều tăng giá đều là do chủ động, từ tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục cho đến giảm phí BOT.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương nhất quán là các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục dần tiến theo giá thị trường, phải kiên trì thực hiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng giáo dục, đi kèm với đó phải có chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho người nghèo, người thu nhập thấp và đối tượng chính sách.

Riêng về giá dịch vụ y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không tăng giá dịch vụ y tế cho người không có bảo hiểm y tế trong năm 2016. Các bộ, ngành liên quan tính toán kỹ thời điểm, lộ trình tăng trong năm 2017. Nêu rõ dư địa của cuối năm không còn nhiều, Phó Thủ tướng chỉ đạo từ giờ đến cuối năm, nhiều nhất chỉ có một đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng phải tính toán kỹ theo mục tiêu tính toán lạm phát, trong trường hợp bất lợi, diễn biến xấu phải giãn bớt sang năm 2017.

Theo Vietnam+