Không tăng học phí và tăng thời gian đào tạo nghề lái xe ô-tô

Thứ sáu, 28/03/2008 00:00

P.V: Ông có thể cho biết về mạng lưới các trường lớp đào tạo nghề dạy lái xe ô-tô trên địa bàn TP?

Ông Hồ Quang Mạnh

Ông Hồ Quang Mạnh: Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 5 CSĐT nghề lái xe ô-tô, gồm: Trường Trung cấp nghề GT-CC thuộc Sở GT-CC TP ở địa chỉ số 58-Hoàng Văn Thụ; Trường Trung cấp nghề số 5 thuộc Bộ Quốc phòng ở địa chỉ số 85-Ngũ Hành Sơn; Trung tâm Đào tạo lái xe ô-tô, mô-tô STC Thuộc Cty CP Vận tải hàng hóa và Dịch vụ tổng hợp Đà Nẵng ở địa chỉ số 27-Phan Đăng Lưu; Trung tâm Đào tạo lái xe ô-tô, mô-tô Liên Chiểu thuộc Cty CP vận tải ô-tô số 6 ở địa chỉ 75-Nguyễn Lương Bằng và Trung tâm Đào tạo nghề 579 thuộc Cty CP Đầu tư & Xây dựng 579 ở địa chỉ số 98-Núi Thành. Ngoài ra, TP còn có 1 trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô-tô thuộc Sở GT-CC ở tại KCN Hòa Cầm (Hòa Vang).

Theo giấy phép được cấp có thẩm quyền cấp thì năng lực đào tạo nghề lái xe ô-tô của 5 CSĐT nói trên (quy ra tại 1 thời điểm) là 1.570 học viên.

 

P.V: Có hay không việc tăng học phí và tăng thời gian đào tạo nghề lái xe ô-tô trong thời gian tới?  

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của việc tăng giá, nhất là giá xăng dầu nên trong dư luận ở TP Đà Nẵng rộ lên tin đồn sẽ tăng học phí học nghề lái xe ô-tô, thời gian đào tạo nghề lái xe ô-tô, nhất là lái xe ô-tô du lịch khiến cho số lượng người đến các cơ sở đào tạo (CSĐT) lái xe ô-tô trên địa bàn TP đăng ký học tăng đột biến đã làm cho các CSĐT quá tải, ảnh hưởng không tốt đến công tác đào tạo ngành nghề này, tạo điều kiện cho các đối tượng “cò” trục lợi.

Ông Hồ Quang Mạnh: Đối với vấn đề này, chúng tôi cung cấp thông tin cụ thể như sau:

Về thời gian đào tạo: Ngày 7-11-2007, Bộ trưởng Bộ GTVT có Quyết định số 56/2007/QĐ-BGTVT ban hành Chương trình đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Quyết định này quy định thời gian, số giờ học của từng môn học trong đào tạo lái xe có thay đổi. Ví dụ giảm thời gian của môn cấu tạo sửa chữa thông thường mà tăng thời gian cho môn đạo đức người lái xe..., song về thời gian nói chung không đổi. Đơn cử, học lái xe hạng B2 có số giờ học lý thuyết là 168 giờ, số giờ học thực hành là 480 giờ và như vậy, tổng thời gian đào tạo là 98 ngày cho một khóa đào tạo hạng B2 là không đổi. 

Về học phí đào tạo: Trong năm 2007, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 26/2007/ TT-BTC ngày 3-4-2007 hướng dẫn mức thu học phí, quản lý sử dụng học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, trong đó quy định rõ từng khoản phí. Ví dụ, học lái xe hạng B2 phải nộp: Lý thuyết về Luật Giao thông đường bộ là 130.000 đồng; các môn cơ sở là 160.000 đồng; kỹ thuật lái xe và thực hành lái xe là 2.420.000 đồng; tổng cộng học phí là 2.710.000 đồng. Tuy nhiên, Thông tư của Bộ Tài chính cho phép thẩm quyền UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được phép điều chỉnh tăng, giảm 20% của mức học phí trên. Do tình hình nhiên liệu, lương cơ bản thay đổi, vì vậy, hiện nay UBNDTP Đà Nẵng đã cho phép tăng 20% mức học phí theo Thông tư của Bộ Tài chính. Do vậy, hiện nay, muốn học để lấy GPLX ô-tô hạng B2 phải nộp học phí là 2.710.000 đồng + (2.710.000 đồng x 20%) =  3.252.000 đồng.

Như vậy, về thời gian chương trình đào tạo, Bộ GTVT mới ban hành tháng 11-2007, các địa phương mới áp dụng đầu năm 2008 và mức học phí Bộ Tài chính cũng mới ban hành tháng 3-2007 đã và đang áp dụng từ tháng 4-2007 đến nay. Việc xuất hiện những tin đồn thất thiệt về tăng thời gian đào tạo lên 6 tháng và học phí tăng là không đúng sự thật, đã tạo nên cơn sốt ảo về đào tạo lái xe ô-tô trên địa bàn. Vậy những ai chưa có nhu cầu sử dụng GPLX ô-tô hãy yên tâm để chọn thời gian, thời điểm thích hợp cho mình và hãy đến các CSĐT lái xe trên địa bàn đăng ký dự học, đặc biệt là không nên có tư tưởng sợ kéo dài thời gian đào tạo hoặc tăng học phí... mà tạo nên cơn sốt ảo làm ảnh hưởng đến áp lực không tốt cho các CSĐT lái xe ô-tô, từ đó làm giảm chất lượng đào tạo.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Phú Nam (thực hiện)