Không xâm hại, không bạo lực để trẻ em phát triển toàn diện
(Cadn.com.vn) - Làm thế nào để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, không bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần, bị bỏ mặc, bóc lột... là nội dung chính tại hội thảo “Tham vấn về phòng chống bạo lực đối với trẻ em” do UNICEF Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng tổ chức hôm qua (21-6). Dự hội thảo có bà Marta Santos Pais, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về Bạo lực trẻ em.
Quang cảnh hội thảo. |
Nguy cơ bị bạo hành rất lớn
Bà Nguyễn Thị Y Duyên, Chuyên gia Bảo vệ trẻ em (BVTE) UNICEF Việt Nam cho biết: Trên thế giới, cứ 10 trẻ em từ 2 đến 12 tuổi thì 6 em phải chịu hình thức xử phạt thể xác bởi người chăm sóc; cứ 10 người lớn thì 3 người tin rằng xử phạt thể xác là cần thiết để giáo dục trẻ em; 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai dưới 18 tuổi đã từng bị cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc những hình thức khác của bạo lực tình dục... Còn theo điều tra đánh giá các mục tiêu phụ nữ và trẻ em (MICS5 năm 2014), tại Việt Nam có 68,4% trẻ em từ 1 đến 14 tuổi từng bị áp lực tâm lý hoặc bị xử phạt thể xác; 0,9% phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng trước 15 tuổi; 11,2% phụ nữ 20 đến 49 tuổi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng trước 18 tuổi; hơn 28% phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi cho rằng người chồng có quyền đánh vợ; 16,4% trẻ em từ 5 đến 17 tuổi tham gia vào những việc vặt hay hoạt động kinh tế của gia đình và 7,8% tham gia vào công việc nguy hiểm, độc hại.
Theo ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố Đà Nẵng, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 2.700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 23.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trong tổng số 220.000 trẻ em. “Đây là những đối tượng dễ trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bạo hành, ngược đãi. Bên cạnh đó, do tâm lý mặc cảm, che giấu của gia đình nạn nhân không tố giác hoặc do nhận thức của cộng đồng chưa cao nên việc phát hiện sớm và can thiệp xử lý của các cơ quan chức năng còn hạn chế”, ông Nguyên cho biết.
Bà Nguyễn Thị Y Duyên cho rằng, tại Việt Nam, hình thức xử phạt, kỷ luật mang tính chất bạo lực gia đình là một chủ đề ít được đề cập. “Nguyên nhân trực tiếp là do những nguyên tắc trong nội bộ môi trường gia đình, được đưa ra bởi chính những thành viên lớn tuổi như ông bà, cha mẹ. Còn nguyên nhân gián tiếp là do quan niệm xử phạt thể xác là hiệu quả để giáo dục con cái, thể hiện quyền lực và cách ứng xử gia trưởng của cha mẹ đối với con cái; trừng phạt thân thể đối với em trai được chấp nhận là cách để duy trì tư tưởng về nam giới phải có ảnh hưởng lớn hơn cũng như tôn ti thứ bậc về giới trong gia đình và trong hôn nhân; trừng phạt thân thể trong trường học vẫn tồn tại mặc dù luật pháp đã quy định cấm hành vi này”..., bà Duyên nhìn nhận.
Làm gì để tránh
Ông Ngô Công Thành, Trưởng Chương trình Phát triển của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới cho rằng, để bảo vệ trẻ em, trước hết phải tạo cho trẻ có năng lực để tự bảo vệ mình và bạn bè khỏi xâm hại, bóc lột. Muốn làm được điều đó, trước hết phải trang bị kiến thức và kỹ năng bằng cách tổ chức tập huấn đào tạo giảng viên nguồn về BVTE nòng cốt, tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực; phát triển, cung cấp các tài liệu truyền thông thân thiện với trẻ em về chủ đề BVTE. Về thực hành, cần thiết lập, vận hành CLB, Nhóm trẻ tại cộng đồng, trường học; tổ chức các hoạt động trong và ngoài trường học cho CLB, Nhóm trẻ về BVTE và thực hiện các sáng kiến do thanh thiếu niên khởi xướng hoặc các mô hình BVTE. Bên cạnh đó, theo ông Thành, các Ban BVTE dựa vào cộng đồng được nâng cao năng lực để bảo vệ trẻ khỏi xâm hại, bóc lột và các chính sách liên quan tới BVTE được thực thi.
Tạo môi trường sống lành mạnh giúp trẻ em tránh xa bạo lực, xâm hại (trong ảnh: Lực lượng CATP Đà Nẵng thăm các em nhỏ được nuôi dưỡng tại chùa Quang Châu, Đà Nẵng). |
Bà Nguyễn Thị Y Duyên cho rằng, để phòng ngừa và giải quyết việc bỏ mặc, xâm hại, bóc lột và bạo lực đối với trẻ em, cần thực hiện 6 chiến lược. Theo đó, cần hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc và gia đình nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng về chăm sóc nuôi dưỡng phát triển trẻ em, bao gồm hình thức kỷ luật không bạo lực. Thứ nữa là giúp trẻ em và thanh thiếu niên có thể kiểm soát được những nguy cơ và những thách thức; thay đổi những thái độ và chuẩn mực xã hội khuyến khích cho vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử; tăng cường và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em; thực thi luật pháp và chính sách để bảo vệ trẻ em...
Liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại Đà Nẵng, ông Trần Công Nguyên cho biết thành phố đã triển khai và thực hiện một số chương trình, dự án bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, như Chương trình “5 không”, chương trình giúp đỡ trẻ em hư, vi phạm pháp luật; mô hình “Phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em”, “Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng”; Dự án “Huy động cộng đồng phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”... Đặc biệt là việc xây dựng khung đề án “Thành phố thân thiện với trẻ em”. “Thông qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là phụ huynh và trẻ em về một môi trường an toàn, không bạo lực, không xâm hại để trẻ em phát triển toàn diện”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng, Sở Giáo dục – Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố... đã tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống bạo lực đối với trẻ em. Đặc biệt, Hội thảo đã được bà Marta Santos Pais, là người tận tâm và quyết liệt trong tất cả các hành động của mình chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trên toàn thế giới. Bà cũng đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong thời gian qua. Bà Marta Santos Pais cũng ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và UNICEF trong những năm qua và cho rằng sự hợp tác đó sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
D.Hùng