Khu công nghệ cao Đà Nẵng bứt tốc

Thứ năm, 18/01/2018 11:47

Tại buổi họp báo công bố Nghị định số 04/2018/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 04) của Chính phủ về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng ngày 17-1, ông Phùng Tấn Viết – Trưởng ban Quản lý khẳng định, đây là thời cơ quan trọng để Khu CNC Đà Nẵng bứt tốc, tạo tiền đề trở thành khu đô thị khoa học CNC mang đẳng cấp khu vực, góp phần cho sự phát triển KT-XH của Đà  Nẵng cũng như miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Năm 2018, Khu CNC dự kiến sẽ có gần 10 dự án đầu tư với tổng số vốn khoảng 150 triệu USD.

Thảm đỏ đón nhà đầu tư

Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh – Phó trưởng Ban quản lý cho biết, Khu CNC Đà Nẵng với diện tích hơn 1.100ha tại xã Hòa Liên, H. Hòa Vang là một trong 3 khu CNC cấp quốc gia của Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 10-2010 với mục tiêu trở thành một trung tâm khoa học – công nghệ lớn của khu vực. Đây cũng là môi trường để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ, ươm tạo CNC, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo Nghị định 04, khi đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng, doanh nghiệp được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn dự án đầu tư thuê đối với đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất có mặt nước, công viên sử dụng công cộng. Cạnh đó, đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập, đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực CNC, đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại Khu CNC cũng được hưởng các ưu đãi tương tự. Người sử dụng đất không phải thực hiện hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng trong các trường hợp: được giao đất không thu tiền sử dụng đất, thuê đất miễn toàn bộ tiền thuê đất trong cả thời gian thuê và đã được Ban Quản lý Khu CNC bàn giao đất trước ngày 1-7-2014. Các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên cũng được hưởng cơ chế vượt trội này.

Cũng theo Nghị định 04, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới, doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu CNC sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm. Cộng với đó là được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Riêng các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Đây là cơ chế vượt trội mà ngay cả các Khu CNC Hòa Lạc và TP Hồ Chí Minh cũng chưa có được.

Nghị định cũng cho phép miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định của dự án trong Khu CNC đối với các dự án mới và dự án đầu tư mở rộng; miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất của các dự án đầu tư vào Khu CNC. Các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất cũng được miễn thuế nhập khẩu. Nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc trực tiếp tại Khu CNC và thành viên gia đình được xem xét cấp thị thực có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần với thời hạn phù hợp với mục đích nhập cảnh.

Thời cơ vàng để bứt tốc

Ông Phùng Tấn Viết khẳng định, các cơ chế ưu đãi đặc thù gần như miễn phí cho giai đoạn đầu tư và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững của Khu CNC được xem là động lực phát triển KT-XH miền Trung – Tây Nguyên thì các nhà đầu tư phải thực sự đẳng cấp, đáp ứng được 7 tiêu chí khắt khe trước khi có được ưu đãi đặc biệt. Trong đó, các yêu cầu về công nghệ sản xuất, sản phẩm dự án, lực lượng lao động và đặc biệt là đảm bảo môi trường là những tiêu chí hàng đầu. “Khi đã đáp ứng được các tiêu chí, nghĩa đã rất mặn mà đầu tư, họ sẽ được tạo điều kiện tối đa về các thủ tục. Sắp tới tại đây sẽ tiến đến dịch vụ công cấp 4, chỉ một lần đến nộp hồ sơ và một lần đến nhận kết quả. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp dành thời gian đầu tư, làm ăn thay vì phải tốn công cho các thủ tục”, ông Viết nói.

Tại buổi họp báo, ông Kamioka Nubuo – Tổng Giám đốc Cty Tokyo Keiky, một doanh nghiệp đã đầu tư vào Khu CNC rất sớm cho rằng, để khép kín Khu CNC đồng thời kết nối với các vùng phụ cận, Đà Nẵng cần phát triển các phân khu chức năng đồng thời khớp nối hệ thống giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa để tạo điều kiện cho công nhân, chuyên gia có không gian sống tốt hơn. Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh cho biết, đây cũng là nhiệm vụ của Ban Quản lý Khu CNC trong năm 2018. Theo ông Anh, ngoài việc khớp nối hạ tầng giao thông với dự án Khu Công nghệ thông tin, sắp tới sẽ có xe buýt nhanh từ nội thành hoạt động tới các điểm trong Khu CNC đáp ứng nhu cầu đi lại của công nhân. Trong thời gian tới, hệ thống trường học, siêu thị, các khu vui chơi công cộng, nhà ở công nhân, chuyên gia cũng sẽ được xây dựng khép kín. Nhà đầu tư đến đây không phải bận tâm với bất cứ điều gì ngoài việc triển khai dự án.

“Sau quá trình khởi động, đến nay toàn khu đã có khoảng 400ha đất sạch, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và sẵn sàng đón các nhà đầu tư tiềm năng. Đến cuối năm 2017, tại đây đã thu hút 8 dự án đầu tư với khoảng 200 triệu USD và dự kiến trong năm 2018 sẽ là cuộc đổ bộ của nhiều nhà đầu tư mới. Rất trùng hợp là Nghị định 04 ra đời đúng vào năm mà thành phố Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Đây sẽ là thời cơ vàng để Khu CNC Đà Nẵng tận dụng lợi thế bứt tốc”, ông Hùng Anh cho biết.

CÔNG KHANH

Ông Phùng Tấn Viết (ảnh) cho biết, các cơ chế ưu đãi đặc thù gần như miễn phí cho giai đoạn đầu tư và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp; các thủ tục hành chính cũng được hỗ trợ tối đa.

Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh (ảnh) cho rằng: “Rất trùng hợp là Nghị định 04 ra đời đúng vào năm mà TP Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Đây sẽ là thời cơ vàng để Khu CNC Đà Nẵng tận dụng lợi thế bứt tốc”.

Về cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển, Nghị định 04 nêu rõ: ngân sách trung ương ưu tiên bố trí đủ số vốn bổ sung có mục tiêu  cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình trong Khu CNC và các chương trình quốc gia phát triển Khu CNC. Trong trường hợp vượt thu ngân sách trung ương, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ưu tiên hỗ trợ vốn cho Khu CNC nhằm sớm đưa Khu CNC hoàn thành đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật vào năm 2020... Hằng năm, UBND TP Đà Nẵng tập trung bố trí đủ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để hoàn thành các dự án, công trình trong Khu CNC theo kế hoạch được phê duyệt. Đồng thời Ban quản lý Khu CNC Đà Nẵng được huy động vốn trong nước để đầu tư xây dựng, phát triển Khu CNC.