Khu kinh tế mở Chu Lai đã thay đổi Quảng Nam thế nào?

Thứ bảy, 01/12/2018 11:11

Từ một tỉnh thuần nông nghèo nhất nhì cả nước, Quảng Nam đã vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp, thu ngân sách trong top 10 của cả nước. Một trong những đột phá tạo bước chuyển mình mạnh mẽ nhất cho Quảng Nam phải kể đến Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai. Trả lời phỏng vấn Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nói: Bộ mặt của tỉnh Quảng Nam được diễn đạt đầy đủ, rõ nét và cô đọng ở sự phát triển của KKTM Chu Lai.

Ông Nguyễn Ngọc Quang.

P.V: Thưa ông, bài học nào đã giúp Quảng Nam vượt lên trở thành tỉnh phát triển khá như hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Cách đây 21 năm Quảng Nam mới tái lập là tỉnh nghèo thứ nhì cả nước, một tỉnh thuần nông, thu nhập thấp nhất nước, tỷ lệ nghèo đói vào loại gần cao nhất nước. Tôi nhớ khi đó thu ngân sách của Quảng Nam khoảng hơn 100 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Quảng Nam là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp rất tốt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch với công nghiệp, dịch vụ, thương mại chiếm gần 90%, chỉ còn hơn 10% nông nghiệp, thu ngân sách đạt hơn 21.000 tỷ đồng/năm. Có được thành quả đó, bài học trước tiên là sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm vượt khó vươn lên. Bài học thứ hai cũng rất điển hình của Quảng Nam đó là không cam chịu nghèo đói, thể hiện chỗ luôn tìm tòi những cách làm mới, những mô hình trong phát triển. Bài học thứ ba là sự đoàn kết phải đi liền với đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Quảng Nam có thể tự hào khẳng định mình là một trong những tỉnh khá của cả nước. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 Quảng Nam sẽ nằm trong tốp của các tỉnh khá với thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân cả nước.

Cảng Chu Lai nằm trong quy hoạch trung tâm logistics của Quảng Nam.

P.V: Ông vừa đề cập đến những cách làm mới, những mô hình trong phát triển rất điển hình của Quảng Nam, phải chăng KKTM Chu Lai là mô hình như vậy?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: KKTM đầu tiên của cả nước là Chu Lai, bắt nguồn từ sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Nam. Chúng tôi muốn xây dựng một mô hình kinh tế mở để thu hút các nguồn lực đầu tư tạo ra một cơ chế kinh tế vượt trội, tạo cho Quảng Nam sức bật, thế và lực mới. Đánh giá lại 15 năm hình thành phát triển KKTM Chu Lai tôi thấy con đường và quyết định chọn của Quảng Nam thời điểm khó khăn như vậy là hoàn toàn đúng đắn. KKTM Chu Lai được Trung ương đánh giá là 1 trong 28 khu kinh tế ven biển có hiệu quả tốt.

P.V: Xin ông có thể đánh giá cụ thể hơn vai trò, đóng góp của KKTM Chu Lai với sự phát triển của Quảng Nam?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: KKTM Chu Lai đóng góp hơn 2/3 tổng thu ngân sách của tỉnh. Bộ mặt của tỉnh Quảng Nam được diễn đạt đầy đủ, rõ nét, cô đọng ở sự phát triển của KKTM Chu Lai. Từ trong gian khó những ngày đầu thành lập, KKTM Chu Lai là con đẻ của cơ chế mới, có tính chất vượt trội, được Bộ Chính trị, Thủ tướng đồng ý, Quảng Nam đã tự lực cánh sinh, tìm mọi cách phát triển. Và đến nay, với hạt nhân là các khu công nghiệp, công nghiệp cơ khí ô-tô, cảng biển, logistics, các nhà máy cùng nhau hội tụ về một nơi tạo ra sản lượng công nghiệp lớn với Quảng Nam. Điều đặc biệt, công nghiệp Quảng Nam phát triển không phải mang tính chất chế xuất, gia công mà là công nghiệp chế tạo, với hàm lượng giá trị gia tăng cao. KKTM Chu Lai đã thể hiện được khung khổ phát triển mới, có tính chất ngày càng hiện đại. Khác với các KCN, KKT còn đang vụn vặt, KKTM Chu Lai đồng bộ hơn, thể hiện tâm thế của một KKTM có đóng góp cho kinh tế của Quảng Nam và cả nước, tạo ra thương hiệu quốc gia về sản phẩm ô-tô. Vai trò của KKTM Chu Lai còn thể hiện ở sức lan tỏa tới vùng khác, không chỉ nông nghiệp, thương mại, mà cả các khu cụm công nghiệp khác.

Dự án du lịch Nam Hội An thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai.

P.V: Thưa ông, vậy Quảng Nam đã tạo dấu ấn gì để có thể thu hút các nhà đầu tư vào KKTM Chu Lai?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Dấu ấn quan trọng nhất của thu hút đầu tư vào Quảng Nam chính là cơ chế. Đó là một cơ chế tốt, đủ khuyến khích, rõ ràng, minh bạch, có sự quyết tâm của địa phương, sẵn sàng tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Các điều kiện đó làm cho nhà đầu tư cảm nhận được từ Chu Lai là nơi đất lành chim đậu. Dấu ấn thứ 2 là đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, từ Chủ tịch tỉnh lúc đó là anh Phúc (nay là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- NV), bằng tấm lòng của mình, thu phục được các nhà đầu tư còn băn khoăn với sự khó khăn, sơ khai, nhìn bãi cát trắng đó không biết có thành công hay không. Chính sự quyết tâm của chính quyền cùng làm với doanh nghiệp, cùng đi với doanh nghiệp như một đội, thì mới có thể tạo được niềm tin của nhà đầu tư để họ bỏ ra khoản tiền lớn, cả cuộc đời, cả sự nghiệp đầu tư vào Chu Lai. Và rủi ro không phải ít, nếu không có sự quyết tâm, đồng lòng. Lúc đầu việc kêu gọi cũng khó, nhưng dần dần le lói được dự án chỗ Thaco, thì từ đó trở đi gần như cả tỉnh Quảng Nam dồn hết cho Thaco, vướng mắc gì là tập trung giải quyết ngay. Anh em cứ nói đùa Thaco như con một, hắt hơi sổ mũi gì thì cả tỉnh phải lo. Nhưng bây giờ thì nhiều con rồi. Tôi vẫn nói, Chu Lai có được ngày hôm nay nhờ Thaco, ngược lại Thaco có ngày hôm nay cũng nhờ Chu Lai, giống như 2 mặt tương thích với nhau.

P.V: Với nền tảng hạ tầng khá phát triển hiện nay, từ KKTM Chu Lai, Quảng Nam sẽ phát triển lĩnh vực logistics thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Khi hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh thì bài toán logistics mới có tính khả thi. Vì vậy Quảng Nam đặt quyết tâm biến Chu Lai trở thành trung tâm logistics. Muốn vậy không chỉ quyết tâm mà phải bắt đầu từ quy hoạch. Quảng Nam đã quy hoạch toàn bộ khu An Hòa, cảng Chu Lai trở thành khu logistics. Hiện Quảng Nam đã báo cáo lên Thủ tướng, Bộ Giao thông - Vận tải nâng cảng Chu Lai lên thành cảng loại 1. Theo đó, Quảng Nam dành ra khoảng 10 km cầu cảng, khoảng 1.000 ha hậu cảng, quy hoạch thật chặt, liên thông với hạ tầng đầy đủ, nạo vét luồng cảng, neo đậu trong vịnh An Hòa cho những tàu lớn khoảng 5 vạn tấn. Sau khi quy hoạch, Quảng Nam sẽ kêu gọi xã hội hóa các dự án lớn. Tôi biết nếu mình quy hoạch tốt, có điều kiện tốt, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, giờ họ chỉ chờ Thủ tướng phê duyệt sẽ làm việc với Quảng Nam để đầu tư, quản lý, thực hiện hệ thống logistics một cách thật bài bản. Ngoài ra, trung tâm logistics gắn với sân bay Chu Lai, sẽ là sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế.

P.V: Nguồn nhân lực chất lượng luôn tạo ra lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư, vậy Quảng Nam có giải pháp gì về nhân lực để phục vụ nhà đầu tư thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Để tạo nguồn nhân lực phục vụ nhà đầu tư, Quảng Nam đã ban hành chính sách hỗ trợ DN tiếp nhận, đào tạo lao động. DN có quyền lựa chọn cơ sở đào tạo, dạy nghề theo yêu cầu. Khác với trước đây, Quảng Nam đưa tiền cho các cháu học hành rồi ra trường DN không nhận được, phải đào tạo lại, bây giờ cơ chế khuyến khích bắt đầu từ các DN, chính DN được xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, đi liền với đó là hỗ trợ cho DN đất, cơ sở vật chất, thủ tục hồ sơ, giúp các DN cùng với các cơ sở đào tạọ cấp chứng chỉ, bằng cấp. Ví dụ Trường Hải có trường cao đẳng đào tạo nhân lực không chỉ cho nhà máy của họ mà cho cả tỉnh thì Quảng Nam cũng hỗ trợ, khuyến khích.

P.V: Xin ông cho biết định hướng phát triển của Quảng Nam trong thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Quảng Nam sẽ tập trung vào 3 đột phá, trước tiên là cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Kế tiếp, tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm, cụ thể là các nhóm dự án phía đông Quảng Nam. Khu vực này có 6 nhóm dự án gồm: nhóm du lịch, nghỉ dưỡng; nhóm cơ khí ô-tô; nhóm dệt may, sắp tới có Cty Hyosung sẽ đầu tư 1,3 tỷ USD; nhóm khí điện; nhóm nông nghiệp. Cuối cùng, đột phá về phát triển hạ tầng kết nối phía tây. Do nguồn vượt thu ngân sách lớn, năm 2017 khoảng 3.000 tỷ đồng, năm 2018 khoảng 2.000 tỷ đồng, vì thế vừa qua Quảng Nam đã đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông rất lớn.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HẢI QUỲNH (thực hiện)