Khu kinh tế mở Chu Lai: Hành trình 15 năm (Bài cuối: Cần cơ chế “đặc biệt” hơn)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trên diện tích 27.000ha, kéo từ Núi Thành đến hầu hết các xã vùng đông Thăng Bình. Đây là một vận hội lớn để Chu Lai vươn tầm ra quốc tế, trở thành trung tâm trung chuyển, sản xuất của khu vực.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khảo sát Khu KTM Chu Lai. |
Trước vận hội mới, Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai cần những cơ chế cởi mở hơn để mở rộng thu hút đầu tư trong hành trình sắp đến. Đó là lời khẳng định của ông Đỗ Xuân Diện – Trưởng ban quản lý KKTM Chu Lai trong buổi làm việc với PV Báo Công an TP Đà Nẵng. Điều này cũng đã được Ban quản lý KKTM đề nghị lên Chính phủ trong Diễn đàn kinh tế miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 9-2017. Năm 2003, KKTM Chu Lai thành lập, Ban Quản lý KKTM Chu Lai được giao chức năng quản lý nhà nước về kinh tế một số lĩnh vực, còn hành chính thì trực thuộc hệ thống chính quyền các cấp. Mô hình KKTM đã thoát ly được cơ chế hành chính nặng nề lúc bấy giờ, nên phục vụ được nhu cầu nhà đầu tư, tạo điều kiện tập trung trong sắp xếp dân cư, giải phóng mặt bằng, tìm các cơ chế để hình thành hạ tầng ban đầu tại Chu Lai.
Theo ông Diện, mặc dù là KKTM đầu tiên của cả nước nhưng trong quá trình thực hiện thì Chu Lai vẫn chưa được xem là mô hình thí điểm. Ban Quản lý KKTM Chu Lai đánh giá, so với mục tiêu ban đầu đặt ra theo chủ trương của Bộ Chính trị là thí điểm áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, có môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế (có thể ưu đãi vượt ngoài khung các quy định pháp luật hiện hành) thì quá trình triển khai không thực hiện được những ý tưởng đó.
Cho đến nay, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư dành cho KKTM Chu Lai chỉ được áp dụng những điểm cao nhất của pháp luật Việt Nam về ưu đãi đầu tư như đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Sự phát triển của Khu KTM Chu Lai trong 15 năm qua, thực tế hoàn toàn mang tính địa phương, tự làm, tự đi xin cơ chế, tự tổ chức quy hoạch, tự đào tạo và tổ chức tuyển dụng cán bộ... Vì vậy, thực chất KKTM Chu Lai được coi là Khu kinh tế địa phương, không theo được dự định ban đầu là mang tầm quốc tế, được áp dụng các luật chơi quốc tế. Tuy nhiên để có thể mở rộng đối tác, thu hút đầu tư hơn nữa thì chặng đường tiếp theo cần phải có những cơ chế mới hơn.
“Bản chất của các khu kinh tế thì ai cũng muốn được ưu đãi nhiều hơn. Nếu có cơ chế đặc thù thì hiệu quả sẽ lớn hơn, sức lan tỏa cao hơn. Mục tiêu chính vẫn là làm sao để thu hút đầu tư phát triển nhanh nhất. Nhiều ý kiến cho rằng KKTM Chu Lai có thể trở thành đặc khu nhưng chúng tôi không đề xuất những ưu đãi như đặc khu vì bản thân luật đặc khu rất rộng và KKTM Chu Lai chưa đáp ứng được những điều kiện để trở thành đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. KKTM trải dài qua 3 đơn vị hành chính là Núi Thành, TP Tam Kỳ, Thăng Bình trong khi đặc khu thì phải được áp dụng trên một đơn vị hành chính riêng. Tuy nhiên trên cơ sở những lợi thế sẵn có chúng tôi vẫn muốn thay đổi cơ chế, cách làm mới để thu hút những nhà đầu tư tiềm năng hơn. Hệ thống cơ chế, chính sách quy định hiện nay chưa tạo đột phá và chưa thể hiện được tính mở trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ chế chính sách ưu đãi được ban hành (về thuế, giá thuê đất, các quyền kinh doanh...) chưa đủ sức cạnh tranh ở cấp khu vực và quốc tế, tính nổi trội so với nội địa không nhiều và còn tụt hậu quá xa so với các khu kinh tế tự do của các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Diện cho biết.
Trong khi chờ đợi những chính sách “mở cửa” hơn thì chìa khóa thành công của KKTM, theo ông Đỗ Xuân Diện là cách làm vướng đâu gỡ đó, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn chứ không sử dụng “quyền lực” của quản lý nhà nước. Với tinh thần này, Ban Quản lý luôn quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư theo suốt dự án (từ khâu chuẩn bị đầu tư - xây dựng cơ bản - sản xuất kinh doanh cho đến khi kết thúc dự án). Hiện nay, Ban Quản lý đã chuyển 100% thủ tục hành chính sang Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư giải quyết đảm bảo thời gian theo quy định, rõ ràng trong từng quy trình, công khai trong từng thủ tục. Đó cũng là hướng đi lâu dài trong việc biến Quảng Nam thành con sếu đầu đàn trong thu hút đầu tư trong nước và khu vực.
Phóng sự: ĐỒNG DAO
Đột phá về cơ sở hạ tầng Tính đến ngày 25-5-2018, tổng số dự án trên địa bàn Khu KTM Chu Lai là 150 với tổng số vốn đầu tư hơn 86,3 nghìn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Chu Lai đang cần có một sự kết nối mạnh mẽ hơn. Dự kiến tháng 8-2018, dự án nút giao vòng xuyến 2 tầng giữa quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam với đường trục chính từ cảng Chu Lai đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ đưa vào sử dụng. Cảng biển của Chu Lai cũng được đầu tư mạnh nhằm biến nơi đây thành trung tâm trung chuyển. Theo đó, nguồn kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng và mở rộng sân bay Chu lai trở thành sân bay trung chuyển quốc tế. Với 3.000 ha, đây là Cảng hàng không dân dụng kết hợp với hoạt động sân bay quân sự, được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, hoạt động 12/24 giờ. |