"Khúc ru trầm", một kỷ lục đáng ghi nhận

Thứ hai, 22/05/2023 06:34
"Khúc ru trầm, 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh" là một món quà đầy ý nghĩa thay lời cảm ơn của nhà thơ đến các nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ và bạn bè yêu ca khúc phổ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh nhân dịp tác phẩm này được xác lập Kỷ lục Việt Nam vào cuối tuần qua (20-5).
Tác phẩm "Khúc ru trầm" - 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (bên phải) xác lập kỷ lục Việt Nam.
Tác phẩm "Khúc ru trầm" - 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (bên phải) xác lập kỷ lục Việt Nam.

Từ lâu, việc phổ nhạc từ thơ vốn không xa lạ gì. Mỗi bài thơ được cất lên từ nỗi niềm, tâm trạng riêng của thi sĩ khi bắt gặp sự tương giao đồng điệu cùng kỹ thuật tiết tấu, giai điệu, thanh âm riêng biệt độc đáo của từng nhạc sĩ, thi phẩm ấy sẽ trở thành khúc nhạc giao hòa của những tâm hồn "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã có cả trăm bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, giới thiệu với công chúng cả nước. Trong tuyển tập Khúc ru trầm (NXB Hội Nhà Văn, 12-2021), nhà thơ chọn 77 ca khúc để xuất bản và phát hành trong Đêm nhạc cùng tên tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Theo nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, đây là một kỷ lục về thơ phổ nhạc có chất lượng, quy tụ nhiều nhạc sĩ tên tuổi trong cả nước. Đặc biệt tập sách được họa sĩ Đặng Tiến ký họa chân dung các nhạc sĩ thật ấn tượng.

Khúc ru trầm tạo sức dư ba (ảnh hưởng còn lưu lại của một sự kiện lớn đã kết thúc- P.V) trong lòng khán thính giả bởi là cuộc hội ngộ thi - ca đầy duyên nợ của nhiều anh tài như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Thế Bảo, Nguyễn Cường, Trọng Đài, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trọng Lưu, Hoài An, Võ Hoài Phúc, Quỳnh Hợp, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Đăng Khương… Riêng các nhạc sĩ tên tuổi ở ngay chính quê hương của nhà thơ chiếm phần nhiều như nhạc sĩ Đình Thậm, Nguyễn Duy Khoái, Hoàng Bích, Huỳnh Ngọc Hải, Diệp Chí Huy, Trịnh Tuấn Khanh, Lê Nam An, Huỳnh Văn Tấn, Nguyễn Đức, Nguyễn Xuân Minh, Nguyễn Huy Hùng, Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Phan Trường Sơn, Quang Khánh, Thái Phú, Đinh Gia Hòa, Thu Nguyễn, Trương Công Ảnh, đã trải lòng ra cùng với hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh suốt gần một đời người đắm đuối cùng thơ.

Lâu nay nghe nói cũng có nhiều người có thơ phổ nhạc cả trăm bài, nhưng để xuất bản thành tập sách thì hiếm có ai làm được. Khúc ru trầm có bìa thật ấn tượng với tranh vẽ của họa sĩ nổi tiếng Lê Thiết Cương, ký họa chân dung các nhạc sĩ của họa sĩ Đặng Tiến, viết thư pháp của Nguyễn Thiên Chương. Xen kẽ giữa những bản kẻ nhạc là bốn bức tranh của nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều; mỗi bức họa gợi tứ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, được trang trí bằng gam màu cà phê nhạt độc đáo. Trong số sáng tác phổ thơ được đưa vào tập Khúc ru trầm, có trên 50% ca khúc đã được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội; nhiều tác phẩm được giới thiệu trên sóng VTV và hàng loạt các chương trình, phóng sự văn nghệ trên các Đài truyền hình QRT, DRT, DaNang TV, Đài tiếng nói Việt Nam, báo chí, youtube, trong Chương trình thi bắn pháo hoa bên sông Hàn … Chính vì những yếu tố đó mà Nguyễn Ngọc Hạnh tâm huyết đầu tư, để xuất bản và giới thiệu với độc giả yêu thơ phổ nhạc của mình.

Rất nhiều bạn hữu yêu thơ vẫn đang đi tìm câu trả lời vì sao thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được nhiều người chú ý đến thế. Có không ít nhạc sĩ chưa hề quen biết nhà thơ, họ chỉ đọc thơ ông trên các báo rồi phổ thành ca khúc. Tiêu biểu là trường hợp của hai tác giả Nguyễn Ngọc Tiến (Hoa Kỳ) và Trọng Lưu (Hà Nội) cùng phổ bài thơ Qua đò nhớ mẹ khi chưa biết tác giả thơ, đến lúc VTV1 giới thiệu tác phẩm mới thì nhạc sĩ và thi sĩ mới "qua đò" tìm đến nhau thân ái, tri âm. Bài Qua đò nhớ mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến được nhiều ca sĩ tên tuổi trong và ngoài nước biểu diễn, số lượng người xem và yêu thích bài hát này trên mạng vượt ngưỡng bảy triệu lượt xem… Đặc biệt, nhạc sĩ Đình Thậm, người đã phổ ba ca khúc: Nhớ mùa hoa ven sông, Làng trong tôi, Đêm xa làng, cả ba bài đều đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Một lần trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha về thơ phổ nhạc của Nguyễn Ngọc Hạnh, ông cho rằng: "Có lẽ một phần do Nguyễn Ngọc Hạnh đã cách tân thơ của mình bằng cách tăng chất nhạc cho thơ khiến mỗi bài thơ được chắp cánh bằng âm nhạc. Mặt khác, thi ảnh trong thơ Hạnh lại gần gũi, mang đậm hồn quê nơi đầu nguồn con sông Vu Gia bốn mùa chở nặng ân tình của con người xứ Quảng, cho nên dễ bắt gặp sự đồng cảm giữa thơ và nhạc". Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc với ca khúc Hoang mang nổi tiếng lại cho rằng: "Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh rất lạ, mặc dù vẫn rất bay bổng, mơ mộng, lãng mạn nhưng lại mang trong mình sự chỉn chu và hoàn thiện đến từng chi tiết". Võ Hoài Phúc chính là người đã phổ thành công hai bài thơ: Ngõ hẹp, Trăng tan của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh và được phổ biển rộng rãi trên các sóng phát thanh, truyền hình trong nước. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong phim ca nhạc Dáng quê do VTV8 thực hiện thì nhận xét: "Dù ở những đề tài gai góc, âm nhạc trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như dụ người ta vào, như làm người ta trôi theo cảm xúc bồng bềnh...".

Ấn tượng nhất đối với khán giả vẫn là chùm ca khúc đậm đà tình quê, tình mẹ; bởi quê hương chính là mẹ, là cảm thức không hề phai phôi trong trái tim của bao người con đi xa. Đa phần tác phẩm trong tập ca khúc mang âm hưởng dân ca đậm nét miền Trung, giọng điệu vời vợi lắng sâu, ca từ nhẹ nhàng, trong sáng đậm chất làng quê mộc mạc của thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Đó là những nhân tố cốt lõi làm nên sức cuốn hút và lan tỏa của Khúc ru trầm. Đây là món quà ý nghĩa thay lời cảm ơn đến các nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ và bạn bè yêu ca khúc phổ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Tác phẩm này góp phần không nhỏ vào quá trình lao động nghệ thuật không ngừng của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, xứng đáng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận.

Nguyễn Thị Thu Thủy